Skip Ribbon Commands
Skip to main content

66 năm ngành Công Thương Hà Nam

Giới thiệu chung Quá trình hình thành và phát triển  
66 năm ngành Công Thương Hà Nam
Ngày 14-5-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 21/SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công thương, trải qua 66 năm mặc dù tổ chức của ngành có những thay đổi nhưng các thế hệ cán bộ, viên chức, người lao động ngành Công thương Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ lịch sử; có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước… Để ghi nhận những đóng góp to lớn của ngành Công thương Việt Nam, ngày 2-10-2008, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1418/QĐ-TTg lấy ngày 14-5 là ngày truyền thống của ngành Công thương Việt Nam. Trải qua 66 năm xây dựng và trưởng thành, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các bộ, ngành Trung ương; sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp các sở, ban ngành và địa phương… ngành Công thương tỉnh ta đã vươn lên hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao; góp phần tích cực thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh qua các thời kỳ.

Nhìn lại một chặng đường lịch sử  66 năm qua và đặc biệt từ năm 1997 đến nay, sau khi tỉnh Hà Nam được tái lập, Công nghiệp- Thương mại Hà Nam đã phát triển khá toàn diện với giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ tăng trưởng cao qua các năm. Nhiều doanh nghiệp đã tăng cường đầu tư mở rộng sản xuất, đầu tư theo chiều sâu nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và của doanh nghiệp. Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, từ chỗ chỉ có mấy doanh nghiệp hoạt động sản xuất như xí nghiệp Đường Vĩnh Trụ, giấy Vĩnh Trụ, xí nghiệp ép dầu Phủ Lý, xí nghiệp bánh kẹo, nhà máy cơ khí Hà Nam, thương mại hầu như chưa có gì... đến nay công nghiệp Hà Nam đã phát triển khá toàn diện với giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao qua các năm. Hàng năm có nhiều doanh nghiệp được thành lập mới và đi vào hoạt động.  Năm 2016, Tỉnh đứng trong tốp 10 của cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Toàn tỉnh hiện nay có 4 khu công nghiệp và 25 cụm công nghiệp đã và đang đi vào hoạt động, với hơn 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Nhiều doanh nghiệp đã tăng cường đầu tư mở rộng sản xuất theo chiều sâu nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp và đóng góp ngân sách cho tỉnh như: Sữa Hà Lan, Bia Sài  gòn, Number one, dây dẫn điện Sumi; lĩnh vực thương mại, dịch vụ có bước phát triển vượt bậc nhiều trung tâm thương mại được hình hành đang trên đà phát triển như: Minh Khôi, Lan chi mart, vincom, chợ Bầu Phủ lý…

Năm 2016, giá trị sản xuất công nghiệp (giá SS 2010) trên địa bàn tỉnh cả năm ước đạt  48.930,5 tỷ đồng đạt 100,83% kế hoạch năm tăng 16,3% so với năm 2015; chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2016 ước tăng 15,3% so với năm 2015. Đây là mức tăng cao hơn so với mức tăng của các năm 2015, 2014, 2013,  so với năm trước tương ứng là 15,18; 12,37%; 11,19%; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước cả năm 2016 đạt 16.500 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch năm, tăng 23,8% so với năm 2015. Đặc biệt tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá ước cả năm 2016 đạt 1.250 triệu USD, bằng 100% kế hoạch năm, tăng 19,7% so với năm 2015.

 

Phát huy kết quả kết quả đạt được trong thời qua, trên chặng đường tới, ngành Công Thương Hà Nam xác định  mục tiêu tăng trưởng cao và toàn diện

 Tiếp tục triển khai nhiều biện pháp, giải pháp đồng bộ để thực hiện tốt nghị quyết 04 - NQ/TU về phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, tạo nền tảng phát triển công nghiệp với tốc độ cao và bền vững giai đoạn 2016-2025. Trong đó, ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo trong các khu công nghiệp; chú trọng những sản phẩm sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường thế giời, thân thiện với môi trường.

Đẩy mạnh phát triển thương mại dịch vụ trọng tâm là dịch vụ chất lượng cao cấp vùng về y tế, đào tạo nguồn nhân lực và du lịch. Trong đó cần rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch, tăng cường quản lý quy hoạch; đẩy mạnh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại và dịch vụ. Mở rộng mạng lưới thương mại, dịch vụ, chú trọng phát triển thị trường ở nông thôn và khu vực xung quanh các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đô thị. Khuyến khích xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị, tập trung cải tạo nâng cấp hệ thống chợ đô thị và nông thôn. Cán bộ, công chức, viên chức ngành công thương thực hiện tốt cải cách hành chính, trong đó chú trọng khâu cải cách thủ tục hành chính góp phân nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Tăng cường các biện pháp chống gian lận thương mại, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ thị trường. Thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

 Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng bình quân đạt 15,1%/năm; đến năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp (giá SS2010) đạt 84.500 tỷ đồng, trong đó nâng giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp chiếm trên 74% sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng bình quân 15,5%/năm. Tăng giá trị xuất khẩu trên địa bàn tỉnh bình quân hàng năm đạt 20%/năm...

 

Có được kết quả trong 66 năm qua trước hết do cán bộ, công chức, viên chức Ngành có sự đoàn kết, nhất trí, nghiêm túc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp của Đảng và Nhà nước; sự cố gắng vượt bậc của nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo và nhân viên toàn ngành. Các tập thể và cá nhân người lao động trong Ngành có chuyên môn nghiệp vụ cao, có ý thức trách nhiệm, có tinh thần hăng say lao động vì sự phát triển của đơn vị, của ngành và đất nước. Đặc biệt sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự chỉ đạo của Bộ Công Thương đã tạo điều kiện cho ngành Công Thương Hà Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhân dịp này Sở Công Thương Hà Nam xin bày tỏ lòng biết ơn đối với các đồng chí cán bộ, công chức, viên chức và nhân viên của toàn ngành đã đóng góp xứng đáng vào kết quả chung cho ngành. Cảm ơn Tỉnh uỷ, HĐND, UBND Tỉnh, Bộ Công Thương... đã hết lòng quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ để ngành Công Thương Hà Nam có được kết quả hôm nay.

Nhân dịp kỷ niệm 66 năm ngày truyền thống của ngành Công Thương, tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động  tiếp tục phát huy truyền thống của ngành, khắc phục mọi khó khăn; quyết tâm đem sức lực, tài năng cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh Hà Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

(Bài phát biểu của ông Nguyễn Văn Hán - TUV, Giám đốc Sở Công Thương

nhân ngày thành lập ngành 14/5/2017)