Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại Hà Nam 10 năm hình thành và phát triển

Giới thiệu chung Quá trình hình thành và phát triển  
Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại Hà Nam 10 năm hình thành và phát triển
Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại được hình thành sau khi Sở Công nghiệp và Sở Thương mại hợp nhất. Tiền thân là Trung tâm Khuyến công tỉnh Hà Nam, được thành lập theo Quyết định số 956/2004/QĐ-UBND ngày 19 tháng 7 năm 2004 của Chủ tịch UBND tỉnh, với chức năng và nhiệm vụ chính phục vụ quản lý nhà nước của Sở về hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại; cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực khuyến công và xúc tiến thương mại theo quy định của pháp luật.

Trải qua mười năm hình thành và phát triển (19/7/2004-19/7/2014), được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Bộ Công Thương, UBND tỉnh và Sở Công Thương, sự phối hợp chát chẽ của các đơn vị liên quan, tập thể cán bộ, viên chức Trung tâm đã triển khai nhiều hoạt động, vượt lên mọi khó khăn thử thách, phấn đầu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, đặc biệt thành công trong việc triển khai thực hiện các hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại. Cán bộ, viên chức Trung tâm thay đổi cả về số lượng và chất lượng. Năm đầu thành lập, Trung tâm có 5 người, đến nay tăng lên 11 người. Trình độ cao đẳng, đại học có 10 người chiếm 91% và có 5 đảng viên. Trung tâm thực sự là một đơn vị vững mạnh trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước.

  Thành công ban đầu...

  Thực hiện Nghị định 134/2004/NĐ-CP (nay là Nghị định số 45/2012/NĐ-CP), Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg, Nghị quyết số 04-NQ/TU, Quyết định 499/QĐ-UBND; căn cứ vào chức năng nhiệm vụ; tình hình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp từng giai đoạn. Tính đến nay, Trung tâm tập trung chủ yếu vào các hoạt động: Hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề cho 14.072 lao động nông thôn; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất cho 11 cơ sở công nghiệp nông thôn. Hỗ trợ công nhận 163 làng nghề truyền thống, làng nghề TTCN, làng có nghề; 120 nghệ nhân, thợ giỏi và 02 người có công đưa nghề mới về tỉnh. Hỗ trợ lãi suất vay cho 25 dự án đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất...Hỗ trợ trên 100 doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh. Tổ chức thành công 01 hội trợ triển lãm, 13 phiên chợ "Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi" trong tỉnh...Qua mười năm, Trung tâm đã hỗ trợ 18.910,9 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công và xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn, làng nghề tỉnh Hà Nam. Trong đó, Kinh phí khuyến công Quốc gia hỗ trợ là 8.824 triệu đồng, kinh phí xúc tiến thương mại quốc gia là 1.245 triệu đồng, kinh phí khuyến công và xúc tiến thương mại địa phương hỗ trợ là 8.841,8 triệu đồng.

 

...Lựa chọn hướng đi mới, có chiều sâu đáp ứng nhu cầu của chính quyền địa phương, cơ sở công nghiệp nông thôn và người lao động.

Trong hoạt động đào tạo nghề, nếu trước đây đào tạo nghề cho lao động nông thôn sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu (mây tre đan, thêu ren, đính hạt cườm, khảm vỏ trứng..) gắn với vùng nguyên liệu, vùng làng nghề thì nay chủ yếu đào tạo nghề may công nghiệp gắn với nhu cầu sử dụng trực tiếp lao động của cơ sở công nghiệp nông thôn.

Hiện nay, do tình hình kinh tế suy thoái, cơ sở công nghiệp nông thôn bị ảnh hưởng nặng nề, có nơi sản xuất cầm chừng, có nơi phải dừng hoạt động mà nguyên nhân một phần do công nghệ lạc hậu, chưa đầu tư được máy móc tiên tiến vào sản xuất, hàng hóa kém chất lượng, không có thị trường,..Nắm bắt được tình trạng đó, Trung tâm đặc biệt trú trọng triển khai hoạt động hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất. Đây là hoạt động hỗ trợ trực tiếp góp phần góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho cơ sở công nghiệp nông thôn. Hoạt động hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến, nhân rộng sản phẩm được tiếp tục duy trì và xác định là nhiệm vụ chủ yếu cho các năm sau.

 

Trung tâm phối hợp với các địa phương triển khai hoạt động hỗ trợ bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Năm 2014, 26 sản phẩm đạt tiêu chuẩn được lựa chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, các sản phẩm này tiếp tục được lựa chọn tham gia bình chọn cấp khu vực.

Tiếp tục mở rộng quy mô tổ chức hội chợ, phiên chợ trong tỉnh, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ, triển lãm ngoài tỉnh. Xây dựng và duy trì trang thông tin điện tử để quảng bá thương hiệu, hình ảnh cơ sở công nghiệp nông thôn.

 

Dấu ấn của sự phát triển

Ông Phan Tiến Sâm - Giám đốc Công ty TNHH may Anh Minh (xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng) là đơn vị được thụ hưởng từ dự án đào tạo nghề may công nghiệp hào hứng chia sẻ: "Với các công ty sản xuất nghề may mặc thì lao động là yếu tố then chốt quyết định đến mức độ thành công của công ty. Nhưng lao động có sắn tay nghề rất khan hiếm do đại bộ phận người dân ở đây sống bằng nghề nông. Khi tuyển lao động vào làm việc, công ty phải cử cán bộ có kinh nghiệm đào tạo nghề cho lao động mới, đặc biệt khi được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại của tỉnh về giúp đỡ mở lớp đào tạo nghề, chúng tôi rất mừng và phấn khởi. Lớp học kết thúc tất cả lao động đều làm được nghề, lao động làm được hàng khó chiếm tới 80%. Đây chính là nguồn lao động ổn định lâu dài của công ty và là nguồn kế cận đào tạo lao động được tuyển dụng sau này".

Với hộ kinh doanh Đỗ Thị Thúy Hằng (Xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân) là đơn vị được hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất tăm hương xuất khẩu, bà Hằng luôn trăn trở cần phải đổi mới trang thiết bị để có thể sản xuất tăm hương bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường...Năm 2013, được sự hỗ trợ kinh phí khuyến công địa phương, bà đã mạnh dạn đầu tư máy nghiền bột gỗ có giá trị trên 300 triệu đồng. Theo bà, số tiền được hỗ trợ tuy không lớn nhưng đã giúp hộ trang trải một phần kinh phí mua máy. Với công suất 300kg/ giờ đã đảm bảo việc làm cho 60 lao động gắn bó với bà lâu nay. Bà mong muốn sẽ tiếp tục được nhận sự hỗ trợ của tỉnh, của trung ương trong những năm tiếp theo.

Là đơn vị luôn song hành cùng Trung tâm tham dự hội chợ tại các tỉnh, vùng trong cả nước, bà Khen - Chủ Cơ sở Khen Hựu (Xã An Lão, huyện Bình Lục)chia sẻ kinh nghiệm: "Một trong những cách tốt nhất để quảng bá thương hiệu của mình là tham gia trưng bày, bán sản phẩm tại các hội trợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh". Bà Khen cũng vui mừng cho biết thêm: "Khi đến các hội chợ bà được mở rộng tầm nhìn, được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với các bạn hàng khác. Bà thực sự mong muốn có thêm nhiều cơ hội để tham gia hội trợ các tỉnh".

Ghi nhận kết quả đạt được của Trung tâm, Ông Đinh Văn An - Phó Giám đốc Sở Công Thương nhận định: Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Hà Nam đã làm tốt vai trò phục vụ quản lý nhà nước của Sở về hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại, đáp ứng nhu cầu của địa phương, cơ sở công nghiệp nông thôn và người lao động. Trong thời gian tới, Trung tâm cần tiếp tục đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động để đạt hiệu quả cao nhất.

Có thể thấy thành tích mà trung tâm đạt được trong mười năm qua là nền móng cho sự phát triển trong tương lai. Tập thể cán bộ, viên chức Trung tâm quyết tâm đoàn kết, hoàn thành mọi nhiệm vụ  đặt ra trong giai tới.