Căn cứ Thông báo số 20/TB-HĐND ngày 22/12/2021 về kết luận phiên chất vấn, trả lời chất vấn và trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khoá XIX và Thông báo số 15/TB-HĐND ngày 10/8/2022 về kết luận phiên chất vấn, trả lời chất vấn và trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khoá XIX, trong đó: tại kỳ họp thứ 8 đồng chí Giám đốc Sở Công Thương đã tham gia làm rõ nội dung liên quan đến chất vấn đối với Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn về “Giải pháp xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP của tỉnh" và ngay sau kỳ họp Sở Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị duy trì và tăng cường triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành, kết quả như sau:
Thực hiện Quyết định số 1741/QĐ-UBND ngày 28/8/2020 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Chương trình xúc tiến thương mại tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025 và căn cứ tình hình thực tiễn, trong năm 2022 Sở Công Thương đã tích cực, chủ động trong việc quảng bá, hỗ trợ thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh, cụ thể:
- Hỗ trợ cho khoảng 200 lượt doanh nghiệp tham gia trên 20 hội chợ, triễn lãm thương mại trong cả nước nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh như: Hội chợ Festival Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Nội, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Thái Nguyên, Lạng Sơn...
- Hỗ trợ cho khoảng 50 lượt doanh nghiệp là các chủ thể OCOP tham gia 10 hội nghị kết nối cung cầu, tiêu thụ hàng hóa nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm như: Chương trình “Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại" tại Hà Nội; Hội nghị kết nối cung cầu tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thái Bình, Nam Định, Yên Bái; Hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Hà Nam và Quảng Trị tại Hà Nam….
- Xây dựng và xuất bản 1.200 cuốn ấn phẩm xúc tiến thương mại về các sản phẩm OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên ngày càng phát triển, để từ đó xây dựng thành vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tạo ra các chuỗi giá trị bền vững, góp phần phát triển nền kinh tế địa phương, tạo việc làm ổn định cho người lao động.
- Xây dựng và phát sóng chuyên mục xúc tiến thương mại về tăng cường phát triển và đa dạng các hình thức quảng bá các sản phẩm tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đặc biệt là các sản phẩm OCOP của tỉnh.
- Hỗ trợ các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh đầu tư phòng trưng bày, giới thiệu sản phẩm: lụa Nha Xá, gốm Quyết Thành nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm với du khách đến thăm quan và mua sắm tại các làng nghề.
- Hỗ trợ cho 11 cơ sở công nghiệp nông thôn là các chủ thể OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu với tổng kinh phí hơn 2,1 tỷ đồng đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hạ giá thành sản xuất để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường: Sữa Hà Nam, sữa Mộc Bắc, mây giang đan Ngọc Động, lụa Nha Xá, gốm Quyết Thành, thêu ren Thanh Hà, dệt Hòa Hậu, cá kho Nhân Hậu,...
Sở Công Thương trân trọng báo cáo./.