Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Cân đối nguồn cung thịt lợn, góp phần bình ổn thị trường

Thông tin tuyên truyền, phổ biến Hướng dẫn thực hiện pháp luật  
Cân đối nguồn cung thịt lợn, góp phần bình ổn thị trường
Về dự báo cung cầu thế giới, theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo, do ảnh hưởng của bệnh Dịch tả lợn châu Phi nên nhu cầu tiêu thụ thịt lợn của người tiêu dùng sẽ giảm đáng kể trong năm 2020, bình quân trên toàn thế giới giảm khoảng 37% so với năm 2019. Tổng đàn lợn thế giới năm 2020 dự báo đạt 1,02 tỷ con, giảm 10% so với năm 2019.

Nguyên nhân chủ yếu do Trung Quốc là nước có đàn lợn chiếm 45% tổng đàn lợn trên thế giới, nhưng do dịch bệnh nên số lượng đàn lợn nước này dự kiến sẽ giảm khoảng 25% trong năm tới. Sản lượng thịt lợn thế giới năm 2020 ước tính cũng sẽ giảm, trong đó các nước châu Á có sản lượng giảm mạnh nhất, sau Trung Quốc là Phillipines (giảm 16%), Việt Nam (giảm 7%). Tuy nhiên, mặc dù sản lượng thịt lợn sản xuất giảm nhưng dự báo thị trường xuất nhập khẩu thịt lợn sẽ tăng khoảng 10% đạt 10,4 triệu tấn, trong đó nhu cầu nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc sẽ tăng 35% và đồng thời cũng chiếm 35% tổng sản lượng thịt lợn nhập khẩu toàn thế giới.

Về tình hình sản xuất trong nước, theo Thống kê của Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, cả nước không còn dịch lợn tai xanh; dịch lở mồm long móng còn ở 8tỉnh (Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Yên Bái, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long và Đồng Tháp) chưa qua 21 ngày; dịch tả lợn châu Phi phát sinh thêm 24 ổ dịch với 19.472 con lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy, chủ yếu xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không áp dụng hoặc có áp dụng nhưng chưa bảo đảm yêu cầu vệ sinh phòng dịch, an toàn sinh học. Tính đến hết ngày 02/3/2020, tổng đàn lợn cả nước đạt 24 triệu con, bằng 77% so với tổng đàn lợn trước khi có dịch (khoảng 31 triệu con vào tháng 12/2018).

Căn cứ định hướng phát triển ngành chăn nuôi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự báo tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi bình quân năm 2020 đạt khoảng 4%, sản lượng thịt các loại ước đạt khoảng 5,5 triệu tấn, trong đó thịt lợn đạt khoảng 64 - 67%, tương đương tăng 8,8% so với năm 2019. Tại vùng chăn nuôi lợn trọng điểm của tỉnh Hà Nam, nhiều hộ chăn nuôi đã bắt đầu tái đàn trở lại.

Về tình hình nhập khẩu, theo báo cáo của Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (là cơ quan cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật nhập khẩu), tính đến hết tháng 02/2020, Việt Nam đã nhập khẩu 65.865 tấn thịt các loại, trong đó thịt lợn và sản phẩm thịt lợn các loại đạt 13.816 tấn, chiếm 21% tổng lượng thịt nhập khẩu, tăng 150% so với cùng kỳ năm 2019. Cơ cấu chủng loại thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu là thịt cốt-lết, thịt cắt miếng, chân giò, móng giò, xương…, từ các nước có ngành chăn nuôi phát triển như Canada (chiếm 33,1%), Đức (chiếm 25,4%), Brazil (chiếm 16,1%), Ba Lan (chiếm 15,8%), Hoa Kỳ (chiếm 7,8%)... Thịt lợn nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam hiện đều đang chịu thuế MFN với thịt đông lạnh là 10%, với thịt tươi và ướp lạnh là 25%. Đối với các nước đã có FTA với Việt Nam như Úc, Niu-di-lân, Nhật Bản, Liên bang Nga, Mexico... mức thuế nhập khẩu vào khoảng từ 3 - 21%.

Căn cứ quy định tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ, mặt hàng thịt lợn không thuộc danh mục nhập khẩu theo giấy phép của Bộ Công Thương. Việc nhập khẩu thực hiện theo quy định tại Thông tư số 25/2010/TT-BNNPTNT ngày 08 tháng 4 năm 2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa có nguồn gốc động vật nhập khẩu và Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn.

Theo đó, chỉ cho phép nhập khẩu từ các nước đã thỏa thuận và thống nhất với Việt Nam về yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch động vật đối với sản phẩm thịt xuất khẩu vào Việt Nam. Cụ thể: (i) Trước khi nhập khẩu, doanh nghiệp phải có Đơn xin đăng ký kiểm dịch động vật nhập khẩu gửi Cục Thú y; (ii) Trên cơ sở Đơn đăng ký của doanh nghiệp, Cục Thú y có văn bản cho phép doanh nghiệp được kiểm dịch lượng hàng nhập khẩu cụ thể, nêu rõ: loại hàng, số lượng cho phép kiểm dịch nhập khẩu, cửa khẩu nhập, tên doanh nghiệp xuất khẩu, nhà máy sản xuất, thời gian thực hiện, mục đích sử dụng và chỉ định rõ tên Chi cục Thú y vùng làm thủ tục kiểm dịch động vật nhập khẩu...; (iii) Doanh nghiệp xuất trình văn bản cho phép của Cục Thú y cho Chi cục Thú y vùng (ghi trong công văn của Cục Thú y) để thực hiện thủ tục kiểm dịch động vật nhập khẩu; (iv) Chi cục Thú y vùng tiến hành kiểm tra lô hàng nhập khẩu và cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật nhập khẩu cho doanh nghiệp đối với lô hàng đáp ứng đủ điều kiện; (v) Doanh nghiệp nộp bộ hồ sơ hải quan, bao gồm cả Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật nhập khẩu đối với lô hàng đáp ứng đủ điều kiện do Chi cục Thú y vùng cấp, cho cơ quan hải quan cảng, cửa khẩu và tiến hành các thủ tục thông quan nhập khẩu theo quy định.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký Thỏa thuận song phương về kỹ thuật và kiểm dịch động vật với 19 nước, theo đó doanh nghiệp từ 19 nước này, khi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép, sẽ được xuất khẩu thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn vào Việt. Theo cam kết với WTO và trong các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, Việt Nam phải giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình, xóa bỏ việc hạn chế định lượng và giấy phép nhập khẩu hàng hóa nông sản (trong đó có thịt lợn), chỉ thực hiện quản lý nhập khẩu bằng các biện pháp kỹ thuật (kiểm dịch động vật, an toàn thực phẩm). Đây là biện pháp được hầu hết các nước thành viên WTO sử dụng nhằm quản lý nhập khẩu và bảo hộ sản xuất trong nước phù hợp cam kết quốc tế.

Về công tác bình ổn cung cầu trong nước, ngay từ thời điểm sau Tết Nguyên đán, khi dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn và dịch bệnh Covid-19 đang phát sinh, diễn biến ngày càng phức tạp tại Trung Quốc, để góp phần bình ổn nguồn cung và giá thịt lợn tại thị trường trong nước, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương đã đề nghị Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ chủ động tổ chức làm việc, trao đổi với Hiệp hội và các doanh nghiệp xuất khẩu thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn có uy tín ở nước sở tại để cung cấp thông tin và kết nối với các doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam nhằm tổ chức hoạt động kết nối giao thương một cách thành công, hiệu quả.; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cục Thú y trong hoạt động nhập khẩu để đa dạng hóa nguồn cung thịt lợn, đảm bảo phù hợp với cam kết quốc tế và diễn biến cung cầu trong nước tùy từng thời điểm.

Ngoài ra, Cục cũng thường xuyên trao đổi, làm việc với các Sở Công Thương và lực lượng Quản lý thị trường tại khu vực biên giới thực hiện nghiêm các biện pháp tăng cường kiểm soát việc vận chuyển, mua bán trái phép lợn sống và các sản phẩm từ lợn qua biên giới trên địa bàn; theo dõi sát diễn biến hoạt động thương mại và trao đổi cư dân biên giới đối với hàng hóa nông, thủy sản nói riêng cũng như đối với lợn sống và các sản phẩm từ thịt lợn để phối hợp với cơ quan chức năng (Hải quan, Biên phòng, Thú y...) trên địa bàn chủ động ứng phó với hiện tượng vận chuyển, mua bán trái phép, chống đầu cơ, tích trữ, gây bất ổn đến tình hình thị trường trong nước cũng như đảm bảo an toàn tuyệt đối trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Bộ Công Thương hiện đang tăng cường các hoạt động truyền thông về giá cả, nguồn cung, sử dụng các thực phẩm thay thế cho thịt lợn và sử dụng sản phẩm thịt lợn đông lạnh thay cho thịt “nóng" nhằm tránh tình trạng thiếu thông tin và gây bất ổn thị trường; đồng thời, cũng đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức nhiều đoàn làm việc với một số địa phương trọng điểm nhằm bàn các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường các mặt hàng nông sản, trong đó chú trọng đến mặt hàng thịt lợn.

Vừa qua, ngay sau khi nhận được thông tin dịch bệnh Covid-19 đã quay trở lại Việt Nam, đặc biệt là có dấu hiệu lan nhanh tại thành phố Hà Nội, Bộ Công Thương đã có công văn gửi các doanh nghiệp phân phối như hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích... trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng cường nguồn cung hàng hóa, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, trong đó có thịt lợn; đồng thời có phương án điều tiết nguồn hàng từ các nhà cung cấp, từ các điểm bán hàng trên cả nước để tăng lượng cung ứng cho các địa phương có nhu cầu. Việc các doanh nghiệp cùng chung tay với cơ quan quản lý nhà nước trong công tác cân đối nguồn cung thịt lợn trong thời điểm hiện nay sẽ góp phần không nhỏ để khơi thông chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm hàng hóa nói chung và thịt lợn nói riêng để tránh tình trạng “găm hàng, tăng giá", ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Nguồn: https://moit.gov.vn