Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Công Thương Hà Nam – Mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021

Tin tức sự kiện  
Công Thương Hà Nam – Mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021

Năm 2020 đi qua, đánh dấu một năm đầy nỗ lực của tỉnh, của ngành Công Thương. Trên thế giới, dịch bệnh Covid -19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp làm cho kinh tế suy giảm ở mức trầm trọng. Trong nước, mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Tại tỉnh Hà Nam, dịch bệnh đã làm gián đoạn, ngưng trệ một số ngành sản xuất kinh doanh. Các hoạt động thương mại bị giảm sâu. Trước tình hình đó, Chính phủ và các bộ ngành đã có nhiều giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, từ đó tạo tiền đề cho các bước phát triển mới trong những năm tiếp theo, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

 Sản xuất công nghiệp năm 2020 của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tiên là những tác động của Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 đã ảnh hưởng không nhỏ đến ngành sản xuất đồ uống có cồn, tiếp đó dịch Covid – 19 đã gây những hệ lụy nặng nề đến sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh: Thiếu hụt nguồn nguyên liệu, xuất nhập khẩu gặp khó khăn, một số doanh nghiệp và cơ sở công nghiệp đã phải tạm ngừng hoặc thu hẹp quy mô sản xuất…Tuy nhiên với sự quyết tâm kiểm soát dịch bệnh, các lĩnh vực của nền kinh tế đang từng bước trở lại trạng thái “ bình thường mới", sản xuất công nghiệp đã có sự phục hồi và dần lấy lại được đà tăng trưởng từ cuối quý II/2020. Năm 2020, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 5,5% so với năm 2019 (quý I tăng 8,0%; quý II tăng 4,3%; quý III tăng 5,1%; quý IV tăng 4,8%), đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,4%, đóng góp 5,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành khai khoáng tăng 3,6%, đóng góp 0,3 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,4%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,6%. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao so với năm 2019: xi măng tăng 12,3%; thức ăn chăn nuôi tăng 14,2%; sữa các loại tăng 7,4%; xe gắn máy tăng 9,7%; gạch, ngói các loại tăng 11,8%...

Hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh cũng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên toàn cầu đã làm cho nhu cầu tiêu dùng của người dân sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là trong thời gian giãn cách xã hội. Các ngành ăn uống, lưu trú, du lịch, giáo dục và đào tạo, karaoke... phải tạm ngừng hoạt động trong khi vẫn phát sinh chi phí để duy trì. Sau khi dịch bệnh được khống chế, sức mua trên thị trường có những dấu hiệu dần phục hồi và tăng trở lại. Các chợ, cửa hàng tiện ích, siêu thị, trung tâm thương mại bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, không có biến động về giá, đồng thời người dân có xu hướng thay đổi hành vi tiêu dùng theo hình thức mua sắm trực tuyến. Bên cạnh đó, các ngành chức năng đã triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội theo Chỉ thị 11/CT-TTg, ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2020 đạt 23.056,7 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2019. Như vậy, đây là năm có tốc độ tăng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Cụ thể, có 11/12 nhóm hàng tăng: Lương thực, thực phẩm đạt 7.153,0 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 31,0%, tăng 11,1% so với năm 2019; gỗ và vật liệu xây dựng đạt 5.211,0 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 22,6%, tăng 2,3%; đồ dùng, dụng cụ và trang thiết bị gia đình đạt 2.691,3 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 11,7%, tăng 6,8%; xăng, dầu các loại đạt 2.063,3 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 8,9%, tăng10,0%; phương tiện đi lại (trừ ô tô, kể cả phụ tùng) đạt 1.327,2 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 5,8%, tăng 9,8%... Ngoài ra, tình hình xuất khẩu hàng hóa trong năm 2020 gặp khó khăn nghiêm trọng do tình hình dịch bệnh vẫn diễn ra trên toàn thế giới, tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu ước đạt 3.077 triệu USD, giảm 11,5% so với năm 2019, đạt 86,3% kế hoạch năm.

Năm 2021 được dự báo là năm của sự phục hồi, tuy nhiên quá trình này sẽ diễn ra không đồng đều trên toàn cầu, trong đó các nền kinh tế mới nổi được kỳ vọng sẽ dẫn đầu xu hướng. Các nhà đầu tư hiện hướng tới triển vọng tươi sáng hơn trong năm 2021 dựa trên những hy vọng về vắcxin phòng Covid-19, các biện pháp kích thích tài chính và khả năng nền kinh tế trở lại đà tăng trưởng vào năm 2021. Kinh tế trong tỉnh phục hồi và có bước phát triển, được coi là tiền đề, động lực cho bước phát triển năm 2021. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật được đầu tư ngày càng đồng bộ, nhiều dự án lớn được triển khai thực hiện, góp phần không nhỏ cho công nghiệp, dịch vụ, thương mại phát triển. Song tình hình thời tiết thiên tai, dịch bệnh còn tiềm ẩn nhiều bất lợi, nguy cơ dịch bệnh bùng phát; tỉnh thiếu nguồn lực chất lượng cao, nguồn vốn đầu tư chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển là những khó khăn, thách thức cho phát triển của tỉnh.

Tích cực phát huy những thành tựu đạt được và ra sức khắc phục những khó khăn, hạn chế trong năm qua, năm 2021, ngành Công Thương Hà Nam đề ra các mục tiêu phát triển ngành như sau: Giá trị SXCN (Giá SS2010) trên địa bàn đạt 150.764 tỷ đồng tăng 12,5% so với ước thực hiện năm 2020. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt 31.376 tỷ đồng, tăng 10% so với ước thực hiện năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3.209 triệu USD tăng 4,3% so với ước thực hiện năm 2020.

Để đạt được mục tiêu phát triển, ngành Công Thương nỗ lực tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất: Triển khai thực hiện tốt việc xây dựng các Chương trình đề án, văn bản chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20 (trong đó Sở Công Thương tập trung tham mưu ban hành đảm chất lượng và tiến độ thời gian Kết luận của Tỉnh uỷ về  “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU về đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế tạo, tạo nền tảng phát triển công nghiệp với tốc độ cao và bền vững giai đoạn 2016-2025" và các đề án khác đăng ký trong Chương trình công tác năm 2021 của UBND tỉnh). Phối hợp thực hiện tốt việc xây dựng quy hoạch tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đối với lĩnh vực ngành Công Thương).

Thứ 2: Tham mưu kịp thời các giải pháp nhằm đảm bảo đủ nguồn và chất lượng điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt, đặc biệt là giải quyết cấp điện đối với các dự án trọng điểm, các doanh nghiệp sản xuất lớn trên địa bàn tỉnh như: Điều chỉnh quy mô và tiến độ thực hiện một số dự án trong Quy hoạch phát triển Điện lực tỉnh Hà Nam giai đoạn 2016-2025 có xét đến năm 2035. Giám sát chặt chẽ tình hình cung cấp điện tại các khu, cụm công nghiệp, chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý các vướng mắc phát sinh; phối hợp chặt chẽ với ngành điện trong việc chỉ đạo thực hiện công tác bảo trì, bảo dưỡng định kỳ hệ thống điện của doanh nghiệp (đường dây, trạm biến áp, ...) giảm thiểu sự cố ảnh hưởng đến lưới điện chung.

Thứ 3:  Phối hợp cùng với các Sở, ngành, địa phương thực hiện tốt hoạt động quản lý cụm công nghiệp. Trong đó chú trọng công tác hoàn thiện hồ sơ pháp lý các cụm công nghiệp, thu hút phát triển  hạ tầng cụm công nghiệp; xử lý các tồn tại của doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp. Hướng dẫn, tuyên truyền Quyết định số 10/2020/QĐ-UBND ngày 12/5/2020 của UBND tỉnh về Quy định chính sách hỗ trợ đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng và xây dựng các công trình thu gom, xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Thứ 4: Tiếp tục thực hiện các chương trình hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp thông qua các hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại từ nguồn kinh phí khuyến công Quốc gia, kinh phí XTTM quốc gia và địa phương năm 2021 như: Đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước. Khuyến khích các thành phần kinh tế trong hoạt động phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.  ...

Thứ 5:  Tổ chức triển khai, thực hiện tốt các Đề án thương mại điện tử năm 2021. Tiếp tục phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương triển khai một số đề án từ Chương trình phát triển thương mại điện tử Quốc gia năm 2021; triển khai một số nhiệm vụ trong Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025 (được phê duyệt tại quyết định số 2478/QĐ-UBND ngày 03/12/2020).

 Duy trì vận hành và khai thác hiệu quả Sàn giao dịch thương mại điện tử  tỉnh nhằm kết nối cung - cầu giữa nhà sản xuất với nhà phân phối, người tiêu dùng.

Thứ 6: Phối hợp với các đơn vị liên quan sửa đổi, bổ sung và thực hiện nghiêm Quy chế quản lý vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, thiết kế cơ sở mỏ đảm bảo an toàn trong sản xuất, giảm thiểu các tác động ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân; đôn đốc và kiểm tra các dự án sử dụng hóa chất thực hiện công tác an toàn, xây dựng phương án phòng ngừa sự cố hóa chất, không để ô nhiễm môi trường.

Thứ 7: Tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội.

Thứ 8: Tiếp tục phối hợp thực hiện nghiêm 10 cam kết của tỉnh với các nhà đầu tư; nâng cao chất lượng thẩm định, lựa chọn dự án đảm bảo hiệu quả kinh tế và bảo đảm môi trường. Đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thi hành công vụ; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Thứ 9: Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ, triển khai thực hiện tốt công tác một cửa liên thông trong việc thực hiện cấp phép và nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực Công nghiệp - Thương mại.

Những kết quả trên đã khẳng định sự nỗ lực của ngành và cộng đồng doanh nghiệp trong việc phấn đấu hoàn thành mục tiêu chung góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế của tỉnh./.​