Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đẩy mạnh phát triển thương mại - Tạo động lực thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp phát triển

Tin tức sự kiện  
Đẩy mạnh phát triển thương mại - Tạo động lực thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp phát triển

Phát triển thương mại là một trong những lĩnh vực có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua lĩnh vực thương mại đã có những bước đột phá với mức tăng trưởng hàng năm cao, cùng với cơ sở hạ tầng ngày càng được đầu tư, củng cố và phát triển, các siêu thị, trung tâm thương mại, hệ thống mạng lưới chợ đi vào hoạt động góp phần đẩy mạnh sự phát triển của hoạt động thương mại và đóng vai trò tích cực trong việc cung ứng đầy đủ hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đa dạng và làm thay đổi thói quen mua sắm của người dân, qua đó tạo động lực để thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp phát triển.

Theo đánh giá của Sở Công Thương, sau khi tỉnh Hà Nam được tái lập, hệ thống hạ tầng thương mại lúc đó rất nghèo nàn, khó khăn, nhất là ở vùng nông thôn. Rào cản về cơ sở hạ tầng đã tác động mạnh đến sự phát triển của hoạt động thương mại, song với những nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành cùng với những chủ trương đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm hoạt động thương mại của tỉnh đã từng bước vượt qua khó khăn và có những bước đi vững chắc, tạo động lực để thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp phát triển.

Trong những năm qua, mạng lưới kinh doanh thương mại phát triển nhanh, đa dạng về ngành nghề bao gồm cả thương nghiệp, nhà hàng ăn uống, dịch vụ. Mạng lưới kinh doanh mở rộng xuống tận cơ sở, địa bàn khu dân cư, tạo thành mạng trung gian kinh tế và làm chức năng giao lưu, trao đổi hàng hoá từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ. Đặc biệt, những năm gần đây, hệ thống hạ tầng thương mại được tỉnh chú trọng đầu tư và có bước phát triển rõ nét, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa, góp phần kích cầu sản xuất và tiêu dùng.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 07 siêu thị, trong đó: 01 siêu thị hạng I, 02 siêu thị hạng II, 04 siêu thị hạng III; có 03 trung tâm thương mại hạng III; số cửa hàng tiện lợi qua khảo sát: có chuỗi 09 cửa hàng của Vimart+ ; có 02 siêu thị mini; có 110 chợ, trong đó: 01 chợ hạng I, 01 chợ đầu mối, 03 chợ hạng II, 105 chợ hạng III. Đa số các chợ trên địa bàn tỉnh đều phù hợp với quy hoạch, được đầu tư xây dựng tại các vị trí thuận lợi để phát triển và phục vụ tốt nhất nhu cầu mua bán của nhân dân. Kênh mua bán truyền thống này đã đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hoá của người dân ngày càng tốt hơn, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của mỗi địa phương trong tỉnh. Cùng với đó hệ thống kênh mua bán hiện đại cũng dần được hình thành và ngày càng phát triển, các siêu thị, trung tâm thương mại hoạt động hiệu quả hơn, cung cấp và phục vụ người tiêu dùng trong tỉnh đầy đủ hàng hoá đảm bảo về chất lượng góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp phát triển.

Bên cạnh đó, hệ thống cửa hàng bán buôn, bán lẻ cũng phát triển rộng khắp, phủ kín tới tận khu vực nông thôn, thực sự là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy giao thương hàng hóa trên toàn tỉnh, qua đó đẩy mạnh hoạt động thương mại phát triển.

Trong tiến trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã có nhiều chính sách ưu đãi, cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế ngoài quốc doanh tham gia đầu tư khai thác thế mạnh của tỉnh. Nhất là, trong những năm gần đây, các ngành, các địa phương chú trọng đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân và tổ chức tham gia đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như đầu tư để đẩy mạnh phát triển thương mại.

Đáng chú ý là thị trường ở nông thôn hay đô thị cũng được quan tâm bằng việc hàng năm tổ chức các hội chợ hay các đợt đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi từ các chương trình xúc tiến thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, bảo hộ thương hiệu. Đồng thời tích cực triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"… đã góp phần đẩy mạnh phát thiển thương mại.

Trong giai đoạn 2016-2020, Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ toàn tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 14,6%/năm. Dự kiến năm 2020, Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ toàn tỉnh ước đạt 28.523 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2019.

 Xuất khẩu hàng hóa cũng có những bước tiến đáng kể, giai đoạn 2016-2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 24,4%/năm. Dự kiến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 3.077 triệu USD.

Hoạt động thương mại phát triển đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết đầu ra, tiêu thụ sản phẩm cho các ngành sản xuất, đồng thời tạo ra thị trường hàng hóa sôi động, khối lượng hàng hóa lưu thông liên tục tăng đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng, sản xuất của người dân. Hoạt động thương mại đang từng bước giữ vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế, góp phần quan trọng để đẩy mạnh lĩnh vực công nghiệp phát triển.

Có thể khẳng định rằng sự phát triển mạnh mẽ về thương mại đã góp phần vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo đúng hướng tăng dần về tỷ trọng công nghiệp – thương mại, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, qua đó tạo động lực thúc đẩy công nghiệp phát triển./.​