Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hà Nam - Tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động khuyến mại

Tin tức sự kiện  
Hà Nam - Tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động khuyến mại

Hoạt động khuyến mại là một trong những loại hình hoạt động trong việc khuyến khích và hỗ trợ người tiêu dùng mua sản phẩm hàng hóa với các hàng hóa khuyến mại kèm theo với giá rẻ hoặc được tặng không thu tiền, có vai trò lớn trong việc kích thích tiêu dùng và bán các loại hàng hóa cho người dân.

Hoạt động khuyến mại ở Việt Nam nói chung và tỉnh Hà Nam nói riêng không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn có ý nghĩa về tuyên truyền hưởng ứng cuộc vận động người “Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Thời gian gần đây, hoạt động khuyến mại của doanh nghiệp tổ chức trên địa bàn tỉnh ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, bên cạnh hiệu ứng kích thích tiêu dùng, tăng doanh thu thương mại cho doanh nghiệp, công tác quản lý hoạt động khuyến mại cũng còn tồn tại nhiều bất cập, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, chất lượng hoạt động dịch vụ thương mại và an ninh trật tự, về hành lang pháp lý, môi trường, bộ máy quản lý, quá trình kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước...còn hạn chế.

Theo số liệu thống kê, năm 2020 Sở Công Thương đã xác nhận đăng ký thực hiện khuyến mại cho 07 Chương trình khuyến mại may rủi và tiếp nhận 6.269 thông báo khuyến mại thông thường của các doanh nghiệp có tổ chức hoạt động khuyến mại trên địa bàn tỉnh. Tổng giá trị hàng hóa dùng để khuyến mại và giá trị giải thưởng của các chương trình khuyến mại lên đến trên hàng nghìn tỷ đồng.

Các chương trình khuyến mại được tổ chức bằng nhiều hình thức hấp dẫn nhằm thu hút khách hàng như: mua hàng được tặng quà, mua nhiều được giảm giá nhiều, cào hoặc bốc thăm trúng thưởng, tặng hàng mẫu dùng thử không phải trả tiền, đăng ký thông tin trên internet nhận quà hay tích lũy điểm quy đổi thành quà tặng… Sản phẩm, dịch vụ khuyến mại phong phú với nhiều mặt hàng; trong đó chủ yếu là hóa mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm đồ uống, dịch vụ viễn thông, dịch vụ ngân hàng, đồ điện tử, các đồ dùng nội trợ, quần áo... Hoạt động khuyến mại đã tác động tích cực đến tâm lý và thị hiếu của người tiêu dùng, góp phần kích thích nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, đồng thời đẩy mạnh doanh thu thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên bên cạnh những lợi ích vẫn còn tồn tại nhiều bất cập khó khăn cho công tác quản lý.

Theo quy định của pháp luật, hoạt động khuyến mại phải đảm bảo các yêu cầu sau: Thương nhân phải thông báo bằng văn bản về chương trình khuyến mại cho Sở Công thương nơi tổ chức khuyến mại ít nhất 3 ngày trước khi thực hiện khuyến mại; Hình thức khuyến mại mang tính may rủi phải được đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; Tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại mà thương nhân thực hiện trong một Chương trình khuyến mại không được vượt quá 50% tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại; Tổng thời gian thực hiện khuyến mại bằng hình thức giảm giá đối với một loại nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ không được vượt quá 120 ngày trong một năm …

Pháp luật cũng quy định hàng hóa khuyến mại phải đảm bảo chất lượng theo quy định. Song trên thực tế một số thương nhân đã lợi dụng chương trình khuyến mại đưa hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng gần hết hạn sử dụng vào tiêu thụ; nâng giá gốc lên cao rồi treo biển giảm giá; khuyến mại giá cước trọn gói dịch vụ nhưng lại cắt xén thời gian và chất lượng phục vụ khách hàng. Nhiều cửa hàng, cơ sở kinh doanh đã lợi dụng tâm lý muốn mua hàng giảm giá của khách hàng để trà trộn những sản phẩm cũ, lỗi mốt, thậm chí là hàng đã qua sử dụng. Đơn cử, ở một hãng thời trang nổi tiếng trên đường Biên Hòa, Lê Công Thanh, có treo thông báo sale (giảm giá) 50%, nhưng khi khách hàng đến thì được nhân viên tư vấn chỉ giảm giá đối với những mặt hàng ký gửi (hàng đã qua sử dụng) và bộ sưu tập cũ, lỗi mốt. Ngoài ra những vi phạm trên hình thức khuyến mại giảm giá cũng khiến các cơ quan chức năng khó kiểm soát bởi cùng một thời điểm những nhà phân phối lớn như Siêu thị Vimart, Lan Chi, Micom Plaza; nhóm các siêu thị điện máy, siêu thị sách Fahasa hay cửa hàng bán quần áo thời trang lớn tại trung tâm huyện, thành phố, thị xã các cơ sở kinh doanh có thể giảm giá đồng loạt hàng nghìn sản phẩm, mẫu mã khác nhau khiến các cơ quan chức năng khó kiểm soát, theo dõi, quản lý cũng như phát hiện những vi phạm trong hoạt động khuyến mãi.  Một số đơn vị gửi thông báo chương trình khuyến mại chậm so với thời gian chính thức áp dụng hoặc tự triển khai các hoạt động khuyến mại không đúng nội dung đã đăng ký

Trước thực trạng xuất hiện nhiều bất cập trong hoạt động khuyến mãi, Sở Công Thương đã tăng cường quản lý hoạt động khuyến mãi trên địa bàn bằng các biện pháp quản lý hồ sơ đăng ký, cũng như giám sát hoạt động khuyến mãi thực tế của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Sở đã phối hợp cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với thủ tục thông báo hoạt động khuyến mại trên các cổng: motcua.hanam.gov.vn, dichvucong.gov.vn cho phép thương nhân ở 63 tỉnh thành có thể nộp hồ sơ trực tuyến đến Sở Công Thương mà không phải tốn nhiều thời gian khi phải liên hệ trực tiếp với Sở. Và hỗ trợ 24/7 không chỉ về mặt kỹ thuật, mà còn về nghiệp vụ cho các thương nhân trong quá trình thực hiện thủ tục này trên các cổng thông tin.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương còn chỉ đạo Thanh tra Sở, phòng Quản lý Thương mại phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, cơ quan thuế, công an và UBND cấp huyện nơi diễn ra các hoạt động khuyến mại thường xuyên kiểm tra, kiểm soát về chất lượng, nhãn mác, xuất xứ hàng hóa khuyến mại và đặc biệt quản lý chặt chẽ hoạt động khuyến mại của các doanh nghiệp bán hàng hóa lưu động tại địa phương để khi phát hiện dấu hiệu sai phạm kịp thời báo cáo cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

Giám sát chặt chẽ và thanh, kiểm tra đối với các chương tình khuyến mại và đặc biệt là hàng hóa thực hiện khuyến mại về chất lượng, quy chuẩn, nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời khuyến khích người tiêu dùng tích cực, chủ động tham gia cùng cơ quan quản lý Nhà nước giám sát, phát hiện sai phạm trong hoạt động khuyến mại.

Mặt khác, Sở Công Thương sẽ chủ động đăng tải thông báo đầy đủ thông tin về thời gian, hình thức khuyến mại, sản phẩm khuyến mại và số lượng sản phẩm cũng như những cam kết của doanh nghiệp về chương trình khuyến mại của doanh nghiệp tổ chức trên địa bàn trên trang web của Sở. Với cách làm này không chỉ thuận tiện cho cơ quan chức năng, người tiêu dùng giám sát việc thực hiện chương trình khuyến mại của doanh nghiệp mà còn cung cấp thông tin khuyến mại rộng rãi đến người tiêu dùng và hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức chương trình khuyến mại được tốt hơn.

Để đảm bảo hoạt động khuyến mại đi vào nền nếp, ngoài việc tăng cường tuyên truyền, công khai đơn vị khuyến mại và kiểm soát hoạt động khuyến mại thì các cơ quan chức năng cũng cần quy định yêu cầu cụ thể đối với từng hình thức khuyến mại; quy định đối với hoạt động trưng bày, tư vấn, giới thiệu sản phẩm; đối với những giải thưởng khuyến mại bằng tiền có giá trị lớn cần quy định về việc sử dụng số tiền treo giải thưởng đó như thế nào nếu đợt khuyến mại không có người trúng thưởng để doanh nghiệp không lợi dụng hình thức này lừa gạt khách hàng. Bên cạnh đó, đối với khách hàng cần tìm hiểu kỹ về chương trình khuyến mại, yêu cầu người bán hàng thực hiện nghiêm túc nội dung khuyến mại như đã cam kết, thông báo cho Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng biết khi thấy dấu hiệu vi phạm, lừa đảo khuyến mại; yêu cầu giải quyết, bồi thường thiệt hại khi phát hiện quyền lợi của mình bị vi phạm./.​