Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hội nghị trực tuyến khối Công thương địa phương

Tin tức sự kiện  
Hội nghị trực tuyến khối Công thương địa phương
Sáng 18/4, Bộ Công thương đã tổ chức hội nghị trực tuyến khối Công thương địa phương nhằm nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước; trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu; từ đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững ngành công thương tại các địa phương.
Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam có đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Lê Nguyên Ngọc, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương, lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố; đại diện các hiệp hội ngành​ hàng, các doanh nghiệp liên quan.
1.JPG

Tại Hội nghị, đại diện Cục Công Thương địa phương đã báo cáo tình hình và đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, hoạt động thương mại và xuất, nhập khẩu năm 2023. Theo báo cáo, trong quý I năm 2023, Bộ Công Thương đang nỗ lực bằng mọi cách cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng đạt mục tiêu năm 2023 với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của toàn ngành công nghiệp tăng khoảng 8 - 9% so với năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước; kết quả này phản ánh hiệu quả của chính sách mở cửa từ ngày 15/3/2022 sau đại dịch Covid-19 cũng như việc thúc đẩy xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới và kích cầu nội địa trong thời gian qua. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu cả nước trong quý I năm 2023 ước tính đạt 79,17 tỷ USD; có 14 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD...

Về công tác quản lý Nhà nước, trong quý I năm 2023, Cục Công Thương địa phương đã xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ như Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; Nghị quyết số 50/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng...

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục tập trung vào một số giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp và thương mại đồng bộ từ trung ương đến địa phương, đảm bảo khả thi phù hợp với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết. Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành Công Thương dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đẩy mạnh phát triển thương mại nội địa, các chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước để kết nối giữa sản xuất với thị trường, ưu tiên phát triển chuỗi cung ứng các mặt hàng nông sản, thực phẩm. Hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng, thương hiệu cho hàng hóa trong nước; bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa thiết yếu...

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và trao đổi những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý Nhà nước, sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu; đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững ngành Công Thương tại các địa phương.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương trong việc công tác quản lý Nhà nước và trong sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu thời gian qua. Đồng chí yêu cầu chính quyền các địa phương và ngành Công Thương cần tập trung tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các chủ trương, chính sách có liên quan về phát triển công nghiệp, thương mại. Bám sát tình hình, thường xuyên kiểm tra, đánh giá để xử lý linh hoạt, kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh, bảo đảm thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu kế hoạch được giao trong Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội… Đồng thời, đẩy mạnh phát triển thị trường ngoài nước thông qua kết nối giữa các cơ quan của Bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các Bộ, ngành liên quan để kịp thời cập nhật cho doanh nghiệp, Hiệp hội về thông tin, nhu cầu, cũng như các quy định mới của thị trường; đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới; tiếp tục mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu; hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng...