Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Khuyến công Hà Nam hỗ trợ hiệu quả cho các cơ sở công nghiệp nông thôn

Tin tức sự kiện  
Khuyến công Hà Nam hỗ trợ hiệu quả cho các cơ sở công nghiệp nông thôn

Hoạt động khuyến công tỉnh Hà Nam đã góp phần tích cực trong việc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân ổn định, mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Việc triển khai thực hiện các đề án khuyến công đã kịp thời động viên, khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) mạnh dạn áp dụng máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, đổi mới, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh mở rộng thị trường tiêu thụ; tạo sự lan tỏa mạnh mẽ về hiệu quả của chính sách khuyến công đối với việc phát triển tiểu thủ công nghiệp nói riêng, phát triển công nghiệp nói chung của tỉnh Hà Nam.

          Chỉ tính riêng giai đoạn từ năm 2014-2019, Sở Công Thương Hà Nam đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện 59 đề án với tổng số kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là 21,192 tỷ đồng, bao gồm: Từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, thực hiện 01 đề án hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật với tổng kinh phí hỗ trợ là 250 triệu đồng; thực hiện 42 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến hiện đại vào sản xuất, với tổng kinh phí hỗ trợ là 11,370 tỷ đồng (trong đó có 23 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến hiện đại vào sản xuất từ nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh, kinh phí hỗ trợ là 4,1 tỷ đồng; 19 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến hiện đại vào sản xuất từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, kinh phí hỗ trợ là 7,270 tỷ đồng); thực hiện 16 đề án hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu như: Hỗ trợ các cơ sở CNNT tham gia hội chợ triển lãm trong nước và bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp, kinh phí hỗ trợ là 9,572 tỷ đồng.

          Các đề án khuyến công đã phát huy tính hiệu quả về kinh tế đối với các đơn vị được thụ hưởng. Điển hình là đề án hỗ trợ “Ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất nồi hơi công nghiệp" cho Công ty cổ phần nồi hơi Bách Khoa tại cụm công nghiệp Kim Bình, thành phố Phủ Lý. Sau khi đầu tư mở rộng và đưa thiết bị dây chuyền vào sản xuất, máy cắt công nghệ CNC cho phép gia công các sản phẩm phức tạp, có độ chính xác cao mà máy công cụ truyền thống không thể làm được. Nếu như trước đây dùng máy cắt kim loại chỉ cắt được dạng hình tròn, hình elip, đường thẳng, đường cong… khi cắt các đường cắt không có quy luật như đường cong bất kỳ, đường gấp khúc hay không gian 2D, 3D thì các máy cắt này không thể thực hiện được. Công nghệ CNC ra đời đã giải quyết được những vấn đề nan giải đó. Đây là bước ngoặt mới của công nghệ tự động hóa trong ngành sản xuất cơ khí chế tạo, đã nâng cao tính chủ động trong sản xuất, đẩy nhanh năng suất, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, chất lượng đảm bảo và kiểm soát tốt hơn. Qua đó, đã giúp Công ty tăng uy tín với khách hàng và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

          Bên cạnh đó, nhằm khuyến khích, động viên các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT trên địa bàn tỉnh tích cực hơn nữa trong việc duy trì phát triển sản xuất sản phẩm chất lượng cao, tận dụng được tiềm năng lợi thế của địa phương, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức 03 đợt bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu và xét công nhận danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi cấp tỉnh (vào các năm 2014, 2017, 2019), qua đó lựa chọn được 51 sản phẩm CNNT tiêu biểu và 02 nghệ nhân, 104 thợ giỏi nghề thủ công mỹ nghệ cấp tỉnh. Đồng thời đăng ký tham gia xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân", “Nghệ nhân Ưu tú" cấp Nhà nước trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ và bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp, đến nay tỉnh Hà Nam đã có 04 sản phẩm CNNT được bình chọn là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực và 01 sản phẩm được bình chọn là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia và 01 Nghệ nhân Ưu tú cấp Nhà nước.

          Triển khai thực hiện công tác khuyến công trong thời gian tới, Sở Công Thương tỉnh Hà Nam sẽ tăng cường tuyên truyền, triển khai các hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh từ nguồn ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh; lồng ghép chương trình khuyến công với thực hiện các dự án, chương trình mục tiêu khác như Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đề án đào tạo nghề…. nhằm giúp các cơ sở CNNT nâng cao hiệu quả hoạt động, mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, tạo việc làm cho lao động nông thôn, góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động ở khu vực nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn và xây dựng nông thôn mới.   

          Có thể khẳng định, nguồn kinh phí khuyến công đã thực sự mang lại nhiều lợi ích thiết thực và là nguồn cổ vũ, khích lệ, động viên các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mở rộng quy mô, phát triển sản xuất, đóng góp tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo của tỉnh. Tin tưởng rằng, bằng sự quan tâm, hỗ trợ của Cục Công Thương địa phương, UBND tỉnh Hà Nam, các sở, ban, ngành thì hoạt động khuyến công trong những năm tiếp theo sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả và là nhân tố quan trọng góp phần phát triển công nghiệp địa phương.

Phạm Thị Nhung

Phòng Quản lý Công nghiệp