Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh

Tin tức sự kiện  
Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh

Thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương tập trung vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư, lấy hiệu quả của nhà đầu tư gắn với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ, yêu cầu các bộ, ngành và địa phương: Tập trung chỉ đạo khắc phục ngay những hạn chế, vướng mắc trong công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị; tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính; tập trung chỉ đạo xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch trung, dài hạn với mục tiêu rõ ràng, lộ trình cụ thể để tạo chuyển biến vững chắc đối với các chỉ tiêu có tính chất nền tảng nhưng khó cải thiện trong thời gian ngắn; tiếp tục chú trọng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19...

Ông Trần Văn Kiên, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: Ban quản lý các KCN tỉnh là đầu mối quan trọng hỗ trợ các nhà đầu tư giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Qua thực tế cho thấy, các nhà đầu tư thường cần hỗ trợ giải quyết: Đưa các chuyên gia nước ngoài sang làm việc tại Việt Nam; hỗ trợ trong công tác tuyển dụng lao động; làm các thủ tục hành chính để xây dựng cơ sở hạ tầng; tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng các KCN; nâng cao chất lượng dịch vụ công phục vụ các doanh nghiệp.

Nắm bắt được những thông tin này, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã trực tiếp phối hợp với các sở, ngành chức năng hỗ trợ doanh nghiệp trong việc giải quyết những vướng mắc. Theo kế hoạch trong năm 2021, sẽ có hàng nghìn chuyên gia ở nước ngoài về các nhà máy trong các KCN làm việc và các doanh nghiệp cũng đang cần tuyển khoảng 12.000 lao động phổ thông. Trong tháng 1/2021, Ban Quản lý đã phối hợp với các huyện, thị xã và thành phố trực tiếp giới thiệu quân nhân xuất ngũ trở về địa phương có nhu cầu vào các doanh nghiệp làm việc.

Cũng như Ban Quản lý các KCN tỉnh, hiện nay các ngành chức năng trong tỉnh đã vào cuộc xây dựng kế hoạch tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Quan điểm của UBND tỉnh, chỉ đạo các ngành và địa phương bám sát chỉ đạo của Chính phủ, của UBND tỉnh: Tập trung đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, rà soát các thủ tục còn rườm rà, chồng chéo để báo cáo cơ quan có thẩm quyền chỉnh sửa bổ sung, thay thế kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư.

Các sở, ngành công khai minh bạch, cập nhật nhanh chóng các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính phổ biến cho công dân, doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử của đơn vị. Các huyện, thị xã và thành phố Phủ Lý phối hợp với các nhà đầu tư tập trung giải phóng mặt bằng dự án KCN Thái Hà, KCN Thanh Liêm, các dự án nằm ngoài KCN để bàn giao cho nhà đầu tư. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cùng với các tổ chức tín dụng tập trung khảo sát, nắm bắt nhu cầu vay vốn tín dụng của các doanh nghiệp; triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin từ các doanh nghiệp, nắm bắt thông tin về nhu cầu vốn của khách hàng và chủ động về nguồn vốn để mở rộng đầu tư tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Các ngành và địa phương tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng lao động, giải quyết nhanh chóng các thủ tục đưa chuyên gia về làm việc tại KCN, trong đó bảo đảm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid - 19.

Đối với các doanh nghiệp có dự án thuê đất, trong quá trình hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về đất đai, bảo vệ môi trường, thuế, lao động. Các doanh nghiệp chưa sử dụng hết diện tích đất thuê, yêu cầu nhanh chóng huy động nguồn lực để sớm triển khai đầu tư xây dựng, bảo đảm nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Về lâu dài, từng doanh nghiệp phải xây dựng chiến lược kinh doanh, tập trung các nguồn lực và đa dạng hoá hình thức đầu tư để đầu tư đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động, tạo thương hiệu sản phẩm trên thị trường… phấn đấu nhanh chóng phục hồi, mở rộng sản xuất, kinh doanh.​

Theo: Báo Hà Nam