Skip Ribbon Commands
Skip to main content

NHỮNG HIỆU QUẢ THIẾT THỰC TỪ CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI TỈNH HÀ NAM

Tin tức sự kiện  
NHỮNG HIỆU QUẢ THIẾT THỰC TỪ CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI TỈNH HÀ NAM

Từ năm 2016, sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1661/QĐ-UBND về việc phê duyệt Chương trình Xúc tiến thương mại tỉnh Hà Nam giai đoạn 2016 - 2020, hoạt động xúc tiến thương mại trở nên sôi động, nhiều chương trình xúc tiến thương mại thu hút được sự quan tâm đông đảo của cộng đồng doanh nghiệp, các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) và được nhân dân hưởng ứng nhiệt tình, mang lại hiệu quả thiết thực đối với sự phát triển kinh tế - chính trị - xã hội của tỉnh. Trong giai đoạn 2016-2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tăng bình quân 14,58%/năm; giá trị xuất khẩu ước tăng bình quân trên 24,2%/năm. Chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh diễn ra hàng năm, tăng về số lượng, chất lượng, quy mô lớn và hiệu quả thiết thực nên đã thu hút được rất nhiều doanh nghiệp tham gia, được các cấp, ngành đánh giá cao. Đây thực sự là kênh hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh kết nối giao thương trong và ngoài tỉnh, phát triển và đa dạng hoá các sản phẩm có lợi thế của tỉnh cũng như phát triển sản phẩm OCOP làm gia tăng giá trị nông sản Việt.

Phát triển thị trường trong tỉnh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là doanh nghiệp mới thành lập, cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ còn gặp rất nhiều khó khăn về vốn, cách thức quản lý, quảng bá sản phẩm, thị trường tiêu thụ… Chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh trong nhiều năm qua đã phát huy vai trò cầu nối, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng cách hỗ trợ tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh. Ước tính, từ năm 2016 đến nay, Sở Công Thương đã hỗ trợ gần 5 tỷ đồng cho khoảng 300 doanh nghiệp, cơ sở CNNT tổ chức 02 hội chợ, triển lãm quy mô cấp khu vực tại tỉnh và tham gia 50 hội chợ tại các tỉnh, thành phố trong cả nước như: Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Quảng Bình, Hà Nội, Thái Nguyên, Hoà Bình, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Yên Bái…Tại các hội chợ, doanh nghiệp, cơ sở CNNT đã quảng bá hình ảnh, sản phẩm đặc trưng của tỉnh, của doanh nghiệp đến với du khách trong và ngoài nước, có cơ hội giao thương, trao đổi kinh nghiệm, ký kết hợp đồng kinh tế, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm nhà phân phối, đại lý trong cả nước. Sau mỗi kỳ tham gia hội chợ, triển lãm đã có rất nhiều đơn hàng, hợp đồng được ký kết giữa các doanh nghiệp sản xuất của tỉnh với các nhà phân phối, tiêu thụ sản phẩm ở các tỉnh bạn. Chỉ tính riêng 02 hội chợ tổ chức tại tỉnh, tổng doanh thu của các doanh nghiệp đã đạt khoảng 50 tỷ đồng.

Không những thế, hàng năm, Sở Công Thương còn tổ chức các Phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi", tạo điều kiện cho khoảng 20 – 30 cơ sở tham gia bán các mặt hàng thiết yếu như đồ gia dụng, hoá mỹ phẩm, hàng may mặc, sách báo… Phiên chợ được tổ chức với quy mô từ 25 – 30 gian/phiên  đã giúp các nhà sản xuất trong tỉnh giới thiệu sản phẩm đến tận tay bà con vùng nông thôn, miền núi, những nơi người dân ít có điều kiện tiếp xúc với những mặt hàng Việt chất lượng tốt, giá cả phù hợp. Qua đó, nhà sản xuất đánh giá được tiềm năng, lợi thế tại thị trường này từ đó có định hướng trong sản xuất và cho ra những mặt hàng đáp ứng nhu cầu, mong muốn của người dân. Đặc biệt, tại mỗi phiên chợ còn diễn ra hoạt động tặng quà cho các cháu học sinh nghèo vượt khó, những cháu có hoàn cảnh khó khăn, mỗi xuất quà trị giá 300.000 đồng. Đây là hoạt động hết sức nhân văn được chính quyền và nhân dân địa phương ủng hộ.

Kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm kể cả nội địa và xuất khẩu

Không chỉ phát triển thị trường trong tỉnh, chương trình xúc tiến thương mại Hà Nam còn tích cực tìm kết nối giao thương, mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường, phát triển thương hiệu, cung cấp thông tin thị trường xuất khẩu trên webside, cổng thông tin xuất khẩu, phát triển sàn giao dịch thương mại điện tử để doanh nghiệp, cơ sở CNNT quảng bá, bán hàng, đặc biệt là những sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Đến nay, sàn đã thu hút trên 100 doanh nghiệp tham gia bán hàng, hơn 1.000 sản phẩm được quảng bá với gần 10 vạn lượt truy cập. Một số doanh nghiệp đạt doanh thu cao như Công ty Morice Noodles Việt Nam, Công ty Nam Hồng, Công ty TNHH mật ong Miền Bắc…

Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ giữa đại diện cơ quan ngoại giao, tham tán thương mại nước ngoài và tỉnh Hà Nam để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Tổ chức hội nghị kết nối cung cầu, mời các đại lý, siêu thị lớn của Hà Nội và các tỉnh lân cân ký kết nhiều hợp đồng tiêu thụ sản phẩm của Hà Nam. Tại thị trường trong tỉnh, Sở cũng chú trọng phát triển mạng lưới chợ truyền thống, mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại, phát triển thương hiệu sản phẩm cho doanh nghiệp. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong tỉnh tham gia nhiều hội nghị kết nối cung cầu tại Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang… để tìm kiếm bạn hàng, đối tác làm ăn và thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Phát triển, đa dạng hoá các sản phẩm có lợi thế của tỉnh như sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm làng nghề

Hàng năm, Sở Công Thương tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, đề xuất sản phẩm bình chọn cấp quốc gia. Đến nay, trên địa bàn có 51 sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh;  06 sản phẩm công nhận cấp khu vực; có 01 sản phẩm công nhận cấp quốc gia. Cùng với các sản phẩm làng nghề truyền thống như gốm Quyết Thành, lụa Nha Xá, thêu ren Thanh Hà, dệt Hoà Hậu, sừng Đô Hai, rượu Vọc… được quảng bá tại các hội chợ và hội nghị kết nối cung cầu, được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn mác, bao bì. Đối với cơ sở sản xuất sản phẩm còn được hỗ trợ đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm, năng lực quản lý, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, maketing… hỗ trợ kinh phí đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiến tiến vào sản xuất từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương và quốc gia. Các chương trình đã lan toả tạo được sự đồng thuận trong chính quyền và nhân dân các địa phương, góp phần làm tăng giá trị thương hiệu cho sản phẩm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Phát triển sản phẩm OCOP làm gia tăng giá trị hàng nông sản

Không những phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm làng nghề, Sở Công Thương Hà Nam còn chú trọng phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh bằng cách xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án “mỗi xã một sản phẩm", chú trọng phát triển sản phẩm OCOP làm gia tăng giá trị hàng nông sản. Từ cuối năm 2019, sau khi UBND tỉnh công nhận 8 sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2019 hạng 4 sao và 10 sản phẩm cấp tỉnh hạng 3 sao, Sở Công Thương đã tổ chức cho các cơ sở có sản phẩm OCOP cấp tỉnh tham gia hội chợ, triển lãm cấp khu vực trong chương trình khuyến công và xúc tiến thương mại quốc gia nhằm quảng bá, phát triển thương hiệu các sản phẩm OCOP. Tiêu biểu là việc tham gia: Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2020, Hội chợ Xuân Hưng Yên 2020, đặc biệt là Hội chợ OCOP Quảng Ninh – Hè 2020 diễn ra từ 15/5/2020 đến 21/5/2020 đã để lại dấu ấn trong lòng du khách Việt Nam và khách nước ngoài đối với các sản phẩm OCOP của Hà Nam như sản phẩm bánh, bún, phở chùm ngây của Công ty TNHH Morice Noodles Việt Nam; bánh đa nem làng Chều; sữa của Công ty cổ phần sữa Hà Nam… bởi hương vị vừa lạ vừa thơm ngon, đạt chất lượng theo quy định, sản phẩm mây đan của Công ty Mây tre đan Ngọc Động Hà Nam đưa đến kiểu dáng lạ mắt và sự thuận tiện trong sử dụng.

Ông Đinh Văn An – Giám đốc Sở Công Thương Hà Nam cũng cho biết: Trong thời gian qua, Sở Công Thương rất nỗ lực trong việc phát triển chương trình OCOP của tỉnh và sản phẩm CNNT tiêu biểu, bước đầu tạo dấu ấn đối với du khách trong và nước ngoài về các sản phẩm OCOP và sản phẩm CNNT tiêu biểu của Hà Nam. Trong những năm tiếp theo, ngoài phát triển sản phẩm OCOP, sản phẩm CNNT tiêu biểu chung của tỉnh, Sở còn tổ chức bình chọn riêng các sản phẩm OCOP đặc trưng của ngành, tạo điều kiện cho các sản phẩm này được quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp phát triển thương hiệu, phát triển thị trường.

Từ những hiệu quả thiết thực trên, có thể nói chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh Hà Nam là kênh hữu ích, không những làm cầu nối giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của tỉnh có điều kiện trao đổi, học tập kinh nghiệp của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, quảng bá, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, tăng cường quan hệ thương mại mà còn phát triển các sản phẩm có lợi thế của tỉnh trong đó có các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm làng nghề, đặc biệt là sản phẩm OCOP đang được cả nước quan tâm. Chương trình xúc tiến thương mại luôn trao cơ hội và mang lại thành công cho doanh nghiệp, cơ sở CNNT.​