Thuận lợi và thách thức
Sàn TMĐT đang trở thành thị trường mua bán hàng hóa lớn ở Việt Nam. Trên các sàn TMĐT như: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tik Tok… có bán hầu hết các sản phẩm hàng hóa. Trong đó, một số ngành hàng được quan tâm nhiều như: ngành hàng làm đẹp, thời trang nữ, gia dụng là những sản phẩm được quan tâm trên TMĐT.
Vào một số sàn giao dịch TMĐT khách hàng có thể chọn mua bất cứ loại hàng hóa có giá trị từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Khi có nhu cầu mua bất cứ món đồ nào, khách chỉ cần gõ tên của chúng là một loạt kết quả sẽ hiện ra với đủ chủng loại và giá cả khác nhau.
Một điểm thuận lợi khác của sàn TMĐT là hạn chế được khâu trung gian. Khách hàng chỉ cần ngồi nhà là có thể chọn bất kỳ hàng hóa nào, ở rất xa mình. Sau khi đặt, hàng hóa sẽ được chuyển đến tận nhà.
Bên cạnh những kết quả tích cực, hiện nay TMĐT vẫn còn nhiều thách thức với những hạn chế trong khả năng kiểm soát. Những rủi ro liên quan đến: chất lượng hàng hóa, phương thức thanh toán, thiết lập các tuyến vận chuyển linh hoạt, xử lý thủ tục thông quan hàng hóa…
Với chi phí vận hành tối ưu, nhiều sàn TMĐT mải chạy theo việc thu hút người bán. Một số sàn TMĐT chưa chặt chẽ trong khâu kiểm soát, xác minh các loại hàng hóa nên đã tạo kẽ hở cho hàng giả, hàng nhái chen chân.
Điều đáng nói là ở một số sàn giao dịch TMĐT, với cũng 1 sản phẩm nhưng với mỗi gian hàng giá lại có sự chênh lệch khá lớn. Ít thì vài trăm nghìn đồng, có nơi chênh lệch lên đến tiền triệu.
Khi khách hàng đặt câu hỏi bày tỏ sự băn khoăn về vấn đề này thì gian hàng bán giá thấp thường trả lời “hàng đang được giảm giá”. Tuy vậy, chỉ đến khi nhận sản phẩm, khách hàng mới thấy không ít mặt hàng có chất lượng khác xa so với quảng cáo.
Kiểm soát có dễ
Hiện Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 47/2014/TT-BCT ngày 05 tháng 12 năm 2014 quy định về quản lý website TMĐT. Trong thông tư nêu rõ, các thương nhân, tổ chức, cá nhân không được sử dụng website TMĐT để kinh doanh các hàng hóa hạn chế kinh doanh như: súng, vũ khí; thuốc lá, xì gà; rượu các loại liên quan đến động vật… Thương nhân lập website phải bán các loại hàng hóa đủ điều kiện kinh doanh và công bố đủ điều kiện trên từng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.
Các sàn TMĐT có trách nhiệm ngăn chặn và loại bỏ khỏi website những thông tin bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật và hàng hóa hạn chế kinh doanh theo quy định. Bên cạnh đó, các trang TMĐT phải loại bỏ khỏi website những thông tin bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật khác khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh có căn cứ xác thực về những thông tin này.
Quy định là như vậy nhưng một số sàn TMĐT vẫn còn một số chiêu “lách” nhằm thu hút đông đảo người mua và bán, tăng doanh thu chiết khấu giá sản phẩm, quảng cáo… Một số sàn TMĐT không thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nội dung trên. Một số cá nhân kinh doanh có thể thoải mái đăng tải trên sàn TMĐT các loại mặt hàng mà không bị kiểm soát.
Theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều 63 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi lừa đảo khách hàng trên website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động có thể bị xử phạt từ 40 - 50 triệu đồng, đồng thời đình chỉ hoạt động thưong mại điện tử từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm.
Quy định đã có, song việc kiểm tra hoạt động TMĐT gặp không ít khó khăn. Người bán hàng trên sàn giao dịch TMĐT tìm mọi cách lách qua bộ lọc của sàn. Một số người cố tình bán hàng cấm không đưa rõ hình ảnh sản phẩm, đưa tên khác hoặc tạo nhiều tài khoản khác nhau để bán hàng...
Bên cạnh đó, mức phạt được đánh giá là quá nhẹ so với lợi nhuận thu được. Điều này không tạo ra sức răn đe đủ mạnh với đối tượng vi phạm. Vì vậy, để giải quyết triệt để tình trạng bán hàng giả, nhái, hàng cấm trên các trang TMĐT, cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, tăng mức xử phạt, buộc các chủ sàn TMĐT phải có trách nhiệm với sản phẩm bày bán trên sàn của mình.
Hiện Tổng cục Quản lý thị trường đã xây dựng Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025 (Kế hoạch 888). Trong đó, Tổng cục Quản lý thị trường đặt mục tiêu cụ thể hàng năm để đấu tranh ở thương mại truyền thống và cả không gian TMĐT. Trong quá trình thực thi công vụ sẽ kết hợp với các cơ quan chức năng trao đổi thường xuyên hơn thông tin về hàng giả, hàng nhái và các loại hàng hóa vi phạm. Đơn vị sẽ kết hợp các hiệp hội, cơ quan báo chí để xử lý và ngăn chặn những vi phạm. Mục tiêu là tạo môi trường lành mạnh cho doanh nghiệp chân chính và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo Tổng cục QLTT