Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Hà Nam

Tin tức sự kiện  
Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Hà Nam

Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Sở Công Thương đã có Công văn số 138/SCT-QLTM ngày 05/2/2020 về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virut Corona gây ra, đồng thời đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Qua theo dõi tình hình thị trường trong tháng 2/2020 tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ trên địa bàn tỉnh cho thấy, việc cung ứng và giá cả hàng hóa vẫn ổn định. Các siêu thị của Vinmart, Lan Chi Mart, Micom, cửa hàng Vimart+ , các chợ … vẫn đảm bảo tương đối đầy đủ số lượng hàng hóa thiết yếu để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương. Tuy nhiên, nguồn rau, củ cung cấp giảm so với thời điểm trước, nguyên nhân do thời tiết rét đậm, rét hại đã ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng, nguồn cung giảm và một phần do quá trình kiểm soát chất lượng sản phẩm đầu vào của các đơn vị này trong thời gian dịch bệnh khắt khe hơn.

Nhìn chung, giá cả các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh vẫn giữ ở mức ổn định trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19. Riêng mặt hàng nông sản, nhất là rau, củ có xu hướng tăng. Đối với mặt hàng lương thực vẫn  giữ ở mức ổn định. Theo số liệu khảo sát trong tháng 2/2020, thóc tẻ thường dao động 6.500-6.600 2 đ/kg; gạo tẻ thường 12.000 -12.500 đ/kg; gạo Bắc Thơm 14.000 -14.500 đ/kg; gạo Tám Hải Hậu 16.000 – 17.000 đ/kg; gạo nếp ngon 26.000-27.000 đ/kg …

 Riêng mặt hàng thực phẩm tươi sống trong thời điểm dịch bệnh nCoV đều giảm nhẹ so với thời điểm trước Tết. Cụ thể: thịt lợn hơi dao động ở mức 81.000-82.000 đ/kg; mông sấn 130.000-140.000 (giảm 10.000-15.000 đ/kg); thịt lợn thăn 145.000-150.000 đ/kg; thịt bò thăn 250.000 – 260.000 đồng/kg (giảm 10.000 đ/kg); thịt gà ta sống dao động ở mức 110.000 -120.000 đ/kg (giảm 10.000 đ/kg); thịt gà công nghiệp làm sẵn 60.000 – 65.000 đ/kg; cá trắm trắng dao động 65.000- 70.000 đ/kg …

 Mặt hàng thực phẩm công nghệ, giá cả giữ ở mức ổn định so với thời điểm trước đó, cụ thể dầu ăn Neptune có giá 42.000 đ/lít, bánh Chocopie 47.000-48.000 đ/hộp, đường trắng hiện dao động 20.000-21.000 đ/kg, sữa đặc ông Thọ hộp 380g giá 25.000-27.000 đ/kg, bia lon Hà Nội 230.000 - 235.000 đ/thùng; rượu Vodka Hà Nội 750ml 63.000 đồng/chai…

Tuy không xảy ra bất ổn đối với các mặt hàng thiết yếu, song, dịch bệnh Covid- 19 vẫn diễn biến phức tạp. Tác động của dịch bệnh đối với sản xuất, kinh doanh có thể thấy rõ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 2/2020 ước đạt 1.928,4 tỷ đồng, giảm 3,83% so với tháng trước do sau Tết Nguyên đán nhu cầu tiêu dùng của người dân không còn tăng cao như thời điểm trước Tết và một phần do ảnh hưởng của dịch Covid-19 hạn chế tập trung đông người nên sức mua giảm. Tính chung 2 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ đạt 3.933,6 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2019. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 02/2020 tăng 0,03% so với tháng trước, tăng 1,28% so với tháng 12/2019. CPI tháng 02 tăng thấp nhất trong 05 năm trở lại đây.

Trước tình hình đó, Bộ Công thương đã có chỉ đạo cụ thể tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tăng cường các hoạt động xuất nhập khẩu. Sở Công thương tỉnh Hà Nam Chỉ đạo phòng Quản lý Thương mại, Thanh tra Sở thường xuyên theo dõi sát tình hình giá cả thị trường, tổ chức các đoàn kiểm tra các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ trên địa bàn để nắm bắt tình hình cung ứng hàng hóa, giá cả thị trường. Phối hợp với Liên minh HTX tỉnh, Hội Nông dân tỉnh cung cấp danh sách các doanh nghiệp, nhà phân phối trên địa bàn tỉnh Hà Nam để kết nối tiêu thụ sảnphẩm nông, thủy sản với tỉnh khác. Chỉ đạo các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh chuẩn bị tốt công tác duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu 5% theo quy định tại Nghị định 107/2018/NĐ-CP.

Sở Công thương Hà Nam tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh triển khai các biện pháp ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại địa phương. Đồng thời, theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả các mặt hàng có thể mất cân đối cung cầu do dịch bệnh để đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; thường xuyên theo dõi, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, từ đó tham mưu với tỉnh có những giải pháp hỗ trợ kịp thời nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm...​