Sáng 22/8, Sở Công thương Hà Nam phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) tổ chức hội nghị tập huấn cập nhật một số quy định mới trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) và quy trình cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O).
Trong thời gian 1 ngày, các học viên là cán bộ quản lý công tác xuất nhập khẩu tại các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh đã được các giảng viên của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) truyền đạt 3 chuyên đề: Một số quy định mới trong các Hiệp định FTA mà Việt Nam đã ký kết; Những điểm cần lưu ý về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); Hướng dẫn quy trình xin cấp C/O điện tử. Cụ thể, trong nội dung chương trình tập huấn, các giảng viên đã truyền đạt tổng quan về các Hiệp định FTA mà Việt Nam đã tham gia; cách cộng gộp nguyên liệu có xuất xứ trong khối RCEP; cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa; cơ chế kiểm tra, xác minh xuất xứ; các trường hợp nước nhập khẩu từ chối cho hưởng ưu đãi. Về quy trình xin cấp C/O điện tử, qua phần truyền đạt của giảng viên, các học viên nắm được cách phân biệt các hình thức trực tuyến trong C/O điện tử; các mẫu C/O; sử dụng QR code để xác minh tính xác thực của C/O; các thủ tục cần làm để xin cấp C/O điện tử. Lưu ý đối với các học viên về những quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định RCEP, giảng viên của Cục Xuất nhập khẩu đã giới thiệu chung về quy tắc xuất xứ trong Thông tư 05/2022/TT-BCT ngày 18/02/2022 (hiệu lực 4/4/2022) và Thông tư 32/2022/TT-BCT ngày 18/11/2022 (hiệu lực 1/1/2023) của Bộ Công thương; giới thiệu một số mặt hàng lợi thế xuất khẩu trong Hiệp định RCEP như sản phẩm may mặc, thủy sản, linh kiện điện tử…
Thông qua hội nghị tập huấn, nhiều ý kiến phản ánh của học viên, đại biểu tham dự về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình cấp C/O đã được đại diện Sở Công thương và Cục Xuất nhập khẩu giải đáp, làm rõ. Từ đó, giúp doanh nghiệp hạn chế những sai sót trong quá trình làm hồ sơ, giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về quy tắc xuất xứ cụ thể trong các Hiệp định.
Các Hiệp định FTA đã giúp mang lại nhiều lợi thế thúc đẩy hoạt động giao thương, kết nối doanh nghiệp, mang sản phẩm, hàng hoá của Việt Nam, trong đó có tỉnh Hà Nam đến nhiều thị trường lớn trên thế giới. Theo đó, hội nghị được tổ chức có ý nghĩa thiết thực, giúp doanh nghiệp nắm bắt các nội dung, quy định mới, đánh giá cơ hội, thách thức để triển khai hiệu quả công tác hội nhập kinh tế quốc tế và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc thực thi các cam kết trong các Hiệp định FTA, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá vào các thị trường tiềm năng, nhất là các nước thành viên FTA thế hệ mới.