Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tỉnh Hà Nam 9 tháng đầu năm 2023

Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tỉnh Hà Nam 9 tháng đầu năm 2023
Kết quả hoạt động của các doanh nghiêp sản xuất công nghiệp

9 tháng đầu năm của tỉnh Hà Nam: nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng, nhất là ở một số lĩnh vực như sản xuất hàng dệt may, đồ uống, đồ chơi và sản xuất phương tiện... Mặt khác sự thiếu hụt nguồn cung đầu vào, chi phí sản xuất tăng cao đã khiến cho một số doanh nghiệp phải tạm ngừng và thu hẹp quy mô sản xuất... Kết quả phát triển ngành công nghiệp - thương mại ước đạt như sau:

- Giá trị sản xuất công nghiệp: ước đạt 139.975 tỷ đồng tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 70,6% kế hoạch năm.

- Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 4,5%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 13%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 3%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,1%.

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 34.594,4 tỷ đồng, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2022; đạt 72,5% kế hoạch năm.

- Kim ngạch xuất khẩu đạt 5,3 tỷ USD, tăng 33,2% so với cùng kỳ 2022, đạt 82,8% kế hoạch năm.

- Kim ngạch nhập khẩu đạt 4,6 tỷ USD, tăng 31,4% so với cùng kỳ 2022, đạt 82,7% kế hoạch năm.

Tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp

9 tháng đầu năm 2023, một số ngành công nghiệp chủ yếu có tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2022 như: thiết bị điện, điện tử tăng 24,6%; Dây điện các loại tăng 19,5%; Xi măng và clanke tăng 9,6%; Thức ăn chăn nuôi tăng 9,3%..

Tuy nhiên, một số ngành công nghiệp có tốc tộ tăng trưởng giảm so với 9 tháng đầu năm 2022 như: Bia các loại giảm 32,3%; Nước giải khát giảm 5,3%; Vải các loại giảm 10,9%; Quần áo may sẵn giảm 0,9%; Xe gắn máy giảm 8,1%...​

Tình hình hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp

Lĩnh vực Công nghiệp

Nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp về mặt bằng sản xuất kinh doanh, Sở Công Thương tiếp tục hoàn thiện Phương án phát triển cụm công nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh.

Thông báo và hướng dẫn đơn vị, doanh nghiệp đăng ký chương trình CNHT năm 2024; tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến về cơ chế chính sách phát triển CNHT; thường xuyên cập nhật thay đổi thông tin doanh nghiệp, các thông tin khác trên hệ thống cơ sở dữ liệu CNHT. Công văn gửi các doanh nghiệp tham gia Khu gian hàng Đầu tư phát triển công nghiệp Việt Nam tại Hội chợ Vietnam Expo 2023, Hội chợ triển lãm công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo tại thành phố Đà Nẵng 2023, tham gia chương trình Giao lưu phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc; phối hợp với Ban Quản lý khu công nghiệp để hỗ trợ tìm kiếm nhà cung ứng tại địa phương cho Công ty TNHH Điện tử Samsung Việt Nam. Ban hành công văn thông báo tới các doanh nghiệp về công nghiệp hỗ trợ để thực hiện xác nhận ưu đãi các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (đối với các DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh).

Triển khai công văn gửi các huyện, thị xã, thành phố để thu thập thông tin các cơ sở công nghiệp nông thôn thuộc ngành Công Thương. Đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở có sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu (CNNTTB) cấp khu vực hoàn thiện hồ sơ gửi Cục Công Thương địa phương để đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm CNNTTB cấp Quốc gia năm 2023 (07 sản phẩm tham gia). Xây dựng Kế hoạch bình chọn sản phẩm CNNTTB cấp tỉnh năm 2023 và xét công nhận nghệ nhân, thợ giỏi cấp tỉnh năm 2023 (được UBND tỉnh phê duyệt tại Kế hoạch số 425/KH-UBND ngày 06/03/2023). Đôn đốc hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện bình chọn sản phẩm CNNTTB và nghệ nhân, thợ giỏi cấp tỉnh năm 2023 theo Kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt. Tổng hợp Báo cáo tình hình phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp (theo Công văn số 3279/BCT-CTĐP ngày 29/5/2023 của Bộ Công Thương và chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 1878/VPUB-KT).

Thẩm định cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 10 cơ sở[1].

Tổ chức huấn luyện, giám sát hoạt động huấn luyện, huấn luyện lại kiểm tra sát hạch, cấp giấy chứng nhận đối với người lao động làm việc liên quan đến hoạt động về VLNCN (đã tổ chức 02 lớp huấn luyện cho 251 người làm việc liên quan VLNCN của 51 doanh nghiệp sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh). Thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép sử dụng VLNCN, cấp mới, cấp lại 06 giấy phép sử dụng VLNCN.

Tổ chức Hội nghị phổ biến văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn sử dụng Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về hoá chất cho 110 người của 72 doanh nghiệp. Thực hiện giám sát 03 khóa huấn luyện an toàn hóa chất, giám sát 06 đợt diễn tập ứng phó sự cố hóa chất theo kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất được phê duyệt. Hướng dẫn và tiếp nhận 13 Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất của 13 doanh nghiệp hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh.

Thẩm định, cấp 01 giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc danh mục hóa chất sản xuất kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp.

Tham gia 17 Hội đồng thẩm định cấp phép môi trường cho 17 dự án sản xuất công nghiệp; 01 đoàn kiểm tra xác nhận các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành; 02 Hội đồng thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường và 02 đoàn kiểm tra cấp giấy phép môi trường của 02 dự án khai thác khoáng sản.

Tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện phương án cấp điện và năng lượng tích hợp vào Quy hoạch tỉnh. Xây dựng và quản lý quy hoạch, kế hoạch; đôn đốc ngành điện triển khai các dự án tại Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh đã phê duyệt danh mục đầu tư, triển khai nhiều giải pháp đảm bảo ổn định tình hình cấp điện đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội, đời sống sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt là việc cấp điện tại các Khu, cụm công nghiệp.

Thực hiện các nhiệm vụ định kỳ, đột xuất của Tổ giám sát tình hình cung cấp điện, kịp thời đề xuất phương án đảm bảo cung cấp điện ổn định phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của nhân dân.

Báo cáo định mức tiêu hao năng lượng và Danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2022; hướng dẫn các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt việc thực hiện các quy định tại Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Xây dựng phương án, lập danh sách khách hàng ở từng mức độ quan trọng trong cấp điện trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách khách hàng sử dụng điện theo thứ tự ưu tiên để tiết giảm nguồn khi Điều độ hệ thống điện Quốc gia có yêu cầu tiết giảm công suất.

Tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra hiện trường, tham gia ý kiến thẩm định thiết kế 89 hồ sơ công trình điện. Thời gian giải quyết các thủ tục và trả kết quả đảm bảo trước hạn và đúng quy định. Phối hợp kiểm tra chất lượng công trình; thực hiện công tác nghiệm thu hoàn thành 17 công trình: Trong quá trình kiểm tra đã yêu cầu các Chủ đầu tư thực hiện hoàn thành các tồn tại trong quá trình thi công, hoàn thiện hồ sơ theo đúng các quy định hiện hành; đáp ứng điều kiện nghiệm thu hoàn thành của cơ quan nhà nước.

Lĩnh vực Thương mại

Tình hình giá cả, thị trường trong 9 tháng đầu năm cơ bản ổn định, hàng hóa dồi dào, thông thương thuận lợi, các doanh nghiệp phân phối triển khai nhiều chương trình khuyến mại kích cầu tiêu dùng tạo đà thúc đẩy thị trường sôi động trở lại, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của nhân dân. Tuy nhiên, tình hình căng thẳng chính trị trên thế giới đã khiến diễn biến giá cả thị trường ở một số mặt hàng như xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, sắt thép, vàng... có nhiều biến động đã tác động không nhỏ đến thị trường.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu của toàn bộ hệ thống thương nhân trên địa bàn tỉnh, việc tuân thủ quy định về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, thời gian đăng ký bán xăng dầu… tại các cửa hàng bán lẻ. Thẩm định và cấp mới/sửa đổi bổ sung/cấp lại 31 giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ; thu hồi 01 Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu. Chủ trì kiểm tra hoạt động chấp hành pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của 11 cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Công tác quản lý bán hàng đa cấp, hội chợ, khuyến mại, cấp phép bán buôn rượu, thuốc lá, thực hiện đăng ký hợp đồng theo mẫu điều kiện giao dịch chung được duy trì thường xuyên và đảm bảo đúng quy định. Ban hành Kế hoạch số 1062/KH- SCT ngày 03/8/2023 thực hiện “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia năm 2023- Vietnam Grand Sale 2023" trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh vận động, giới thiệu các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Hà Nam tham gia Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023.

Tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Sở Công Thương triển khai các hoạt động hưởng ứng như: treo băng rôn, cờ phướn tại các địa điểm đông dân cư, khu có hoạt động thương mại sôi nổi trên địa bàn tỉnh và đề nghị một số doanh nghiệp thực hiện treo băng rôn tại địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam và Ngày Thương hiệu Việt Nam năm 2023.

Tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Quyết định 1486/QĐ-UBND ngày 17/8/2021 của UBND tỉnh ban hành Chương trình đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030. Trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 05/7/2023 của Chính phủ về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023-2030 (Kế hoạch số 1850/KH-UBND ngày 22/9/2023).

Tổ chức lớp tập huấn nâng cao kỹ năng cạnh tranh cho doanh nghiệp để đẩy mạnh xuất hàng hóa cho các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn. Thường xuyên đăng tải thông tin về công tác hội nhập kinh tế quốc tế, thông tin về các hiệp định thương mại mới đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Hà Nam.