Skip Ribbon Commands
Skip to main content

6 dấu hiệu nhận biết cuộc gọi mạo danh nhân viên ngân hàng

Thông tin tuyên truyền, phổ biến Hướng dẫn thực hiện pháp luật  
6 dấu hiệu nhận biết cuộc gọi mạo danh nhân viên ngân hàng
Một trong những dấu hiệu đáng lưu tâm nhất là khi khách hàng gọi lại số điện thoại nghi ngờ lừa đảo thì không có tín hiệu hoặc rất lâu mới có tín hiệu nhưng không có người bắt máy.

Trong 24 hình thức lừa đảo phổ biến trên mạng hiện nay do Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT khuyến cáo, thủ đoạn giả mạo công ty tài chính, ngân hàng khá phổ biến dù đã được các cơ quan chức năng và ngân hàng liên tục cảnh báo.

Theo khuyến cáo của các ngân hàng, có 6 dấu hiệu nhận biết cuộc gọi mạo danh cán bộ ngân hàng, bao gồm:

1. Cuộc gọi từ số điện thoại lạ

Ngân hàng chỉ liên hệ với khách hàng qua đầu số hiển thị tên thương hiệu của ngân hàng.

2. Giới thiệu là nhân viên ngân hàng một cách chung chung

Đối tượng giới thiệu nhân viên ngân hàng từ hội sở hay nhân viên chăm sóc khách hàng trụ sở chính. 

Cuộc gọi chính thức từ ngân hàng sẽ từ cán bộ trung tâm dịch vụ khách hàng hoặc tên chi nhánh cụ thể.

3. Yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu

Ngân hàng không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật như mật khẩu, mã OTP, mã PIN thẻ, màn hình giao dịch,... cũng như không bao giờ yêu cầu khách hàng nộp tiền vào tài khoản.

Do vậy, người dùng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu đăng nhập tài khoản, mã PIN thẻ, mã OTP cho bất kỳ ai qua điện thoại, kể cả khi người gọi tự xưng là nhân viên ngân hàng.

4. Yêu cầu kết bạn qua Zalo, Facebook hay mạng xã hội khác để hướng dẫn mở thẻ, mở tài khoản,...

Ngân hàng chỉ hướng dẫn khách hàng đăng ký mở thẻ/mở tài khoản thông qua hai kênh là tại quầy hoặc mở trực tuyến trên ứng dụng chính thức và duy nhất của mỗi ngân hàng và không yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, thông tin bảo mật cũng như nộp tiền vào tài khoản.

5. Gọi lại số điện thoại thường không liên lạc được

Khi khách hàng gọi lại số điện thoại nghi ngờ lừa đảo thì không có tín hiệu hoặc rất lâu mới có tín hiệu, có tín hiệu nhưng không có người bắt máy.

6. Tạo áp lực, hối thúc

Kẻ gian thường tạo áp lực, hối thúc “con mồi” cung cấp thông tin hoặc thực hiện giao dịch ngay lập tức. Trong trường hợp này, hãy bình tĩnh và từ chối cung cấp thông tin hoặc từ chối thực hiện giao dịch.

Bên cạnh chiêu lừa đảo mạo danh nhân viên ngân hàng, gần đây các đối tượng lừa đảo gia tăng tiếp cận người có tài khoản ngân hàng bằng cách giả danh cơ quan chức năng (công an, thuế,... ) yêu cầu cài đặt dịch vụ công. 

Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân thực hiện 3 “Không” và 4 “Nên”:

Không cài đặt phần mềm giả mạo Dịch vụ công (Bộ Công an, VNEID, Tổng cục Quản lý đất đai, Tổng cục Thuế,... ) từ các trang web/đường link/QR code lạ hoặc file APK.

Không click vào các đường link lạ được gửi qua email, tin nhắn.

Không cung cấp thông tin bảo mật như tên truy cập, mật khẩu, mã OTP,... cho bất kỳ ai, dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả công an hay nhân viên ngân hàng.

Chỉ nên cài đặt phần mềm trên chợ ứng dụng App Store/Google Play/CH Play.

Khi cài đặt bất kỳ ứng dụng nào, người dùng nên đọc kỹ thông tin trước khi đồng ý tất cả điều khoản, kiểm tra thông tin tác giả (nhà phát triển) và đọc các bài đánh giá về ứng dụng.

Nên thường xuyên cập nhật các phương thức, thủ đoạn của tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng và website/ứng dụng của các ngân hàng.

Nếu có dấu hiệu nghi ngờ lừa đảo, nên liên hệ ngay với ngân hàng hoặc cơ quan công an để được hỗ trợ kịp thời.

24 hình thức lừa đảo phổ biến

24 hình thức lừa đảo phổ biến trên mạng do Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT khuyến cáo:

1. Giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan nhà nước (Thuế, Bộ Công an, BHXH,... ).

2. Lừa đảo SMS Brandname, phát tán tin nhắn giả mạo.

3. Giả danh các công ty tài chính, ngân hàng.

4. Lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng.

5. Đánh cắp thông tin CCCD đi vay nợ tín dụng.

6. Giả mạo biên lai chuyển tiền thành công.

7. Giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, toà án lừa đảo.

8. Cài cắm ứng dụng, link quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen,…

9. Lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp.

10. Lừa đảo dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa.

11. Lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice.

12. Đánh cắp tài khoản MXH, nhắn tin lừa đảo.

13. Lừa đảo dịch vụ lấy lại tài khoản Facebook.

14. Rải link phishing lừa đảo, seeding quảng cáo bẩn trên Facebook.

15. Lừa đảo tuyển người mẫu nhí.

16. Giả danh giáo viên, nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu.

17. Lừa đảo combo du lịch giá rẻ.

18. Lừa đảo khoá sim vì chưa chuẩn hoá thuê bao.

19. Lừa đảo tuyển cộng tác viên online.

20. Rao bán hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử.

21. Lừa đảo lấy cắp Telegram OTP.

22. Lừa đảo tung tin giả về cuộc gọi mất tiền như FlashAI.

23. Lừa đảo tình cảm, dẫn dụ đầu tư tài chính, gửi bưu kiện, trúng thưởng.

24. Lừa đảo cho số đánh lô, đề.​


Tin liên quan