Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, tỉnh Hà Nam đã xây dựng và ban hành Quyết định 1939/QĐ-UBND ngày 25/10/2018 về việc phê duyệt Đề án “Mỗi xã một sản phẩm" tỉnh Hà Nam giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; trọng tâm của Chương trình OCOP tỉnh Hà Nam là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị.
Sau 6 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, các chủ thể tham gia Chương trình OCOP tỉnh Hà Nam đã được nâng cao năng lực về quản trị, tổ chức sản xuất, xúc tiến thương mại… Đến nay, toàn tỉnh có 130 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, trong đó: 17 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, 113 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Trung bình mỗi huyện, thị xã, thành phố có 22 sản phẩm OCOP, mỗi sản phẩm đều được lựa chọn kỹ càng, mang đặc trưng, lợi thế và phát huy được sức mạnh của cộng đồng, góp phần đáng kể vào việc cải thiện thu nhập, đời sống của người dân. Sản phẩm đạt OCOP 3 sao hiện đang có 113 sản phẩm chiếm tỷ trọng cao nhất với 86,92 %, tiếp theo đó là sản phẩm OCOP 4 sao với 17 sản phẩm chiếm với 13,07% tổng sản phẩm; hiện tại tỉnh chưa có sản phẩm nào được công nhận đạt 5 sao. Các sản phẩm OCOP của tỉnh không chỉ ngày càng đa dạng về bao bì, mẫu mã, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc mà còn từng bước gia tăng giá trị, góp phần giúp người nông dân, hợp tác xã mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao doanh thu; tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Một số sản phẩm khi được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP đã và đang từng bước khẳng định được thương hiệu trên thị trường, như: cá kho Nhân Hậu; chuối ngự Đại Hoàng, bánh đa nem làng Chều; các sản phẩm sữa của Công ty cổ phần sữa và giống bò sữa Mộc Bắc; kẹo lạc Cham Cham, kẹo sìu châu …
Xác định quảng bá và xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP là một trong nội dung quan trọng giúp sản phẩm tiếp cận được với khách hàng nhanh chóng và hiệu quả; thời gian qua Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh triển khai nhiều hoạt động và đạt được các kết quả cụ thể:
Năm 2023, Sở Công Thương đã xây dựng thành công mô hình Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP theo tiêu chí của Bộ Công Thương tại Trạm dừng nghỉ Cầu Giẽ - Ninh Bình (xã Tiên Hiệp, thành phố Phủ Lý) nhằm tạo điều kiện cho các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, kết nối tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm hợp đồng, hợp tác liên doanh và phát triển thị trường, đây cũng là điểm thăm quan mua sắm các sản phẩm OCOP, đặc sản, thủ công mỹ nghệ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng cao, giá cả phải chăng của các du khách đến thăm quan tỉnh Hà Nam. Phối hợp với Siêu thị GO!Hà Nam xây dựng các gian hàng trưng bày và bán sản phẩm OCOP tại siêu thị.
Bên cạnh đó, Sở còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho các sản phẩm OCOP như xây dựng phóng sự tuyên truyền về Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hà Nam; thiết kế, in ấn phát hành tờ rơi, ấn phẩm về sản phẩm OCOP của tỉnh để quảng bá thương hiệu và sản phẩm của các chủ thể OCOP... Đồng thời, thực hiện chương trình kết nối giao thương giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước; Sở đã cung cấp thông tin về các sản phẩm OCOP của tỉnh Hà Nam đến các Sở Công Thương tỉnh, thành phố nhằm hỗ trợ giới thiệu, kết nối tiêu thụ đến các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, trung tâm thương mại, Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, thành phố khác.
Ngoài ra, Sở Công Thương cũng đã triển khai một loạt các hoạt động kết nối thị trường, tổ chức các Hội nghị, tọa đàm, hội chợ nhằm đẩy mạnh việc kết nối cung cầu, tiêu thụ các sản phẩm OCOP, các sản phẩm công nghiệp nông thôn, nông nghiệp tiêu biểu, các sản phẩm chủ lực của địa phương, cụ thể: Hội chợ Công Thương vùng đồng bằng sông Hồng - Hà Nam, Hội nghị kết nối cung cầu sản phẩm hàng hóa giữa tỉnh Hà Nam và các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước, phối hợp Mặt trận tổ quốc tỉnh tổ chức “Tuần lễ giới thiệu và trưng bày sản phẩm OCOP, đặc sản, nông sản an toàn tại tỉnh Hà Nam năm 2024" …
Đồng thời hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia bán hàng trực tuyến tại các sàn thương mại điện tử của tỉnh (santhuongmaihanam.vn), sàn Shoppe; Lazada, facebook, Fanpage, … qua đó giúp sản phẩm OCOP được quảng bá tốt hơn, góp phần tăng cường hiệu quả tiêu thụ sản phẩm. Vừa qua, Sở đã triển khai đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử lớn và uy tín để quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa", qua đó hỗ trợ 05 chủ thể OCOP tham gia bán hàng trực tuyến trên sàn Shoppe, Lazada, đồng thời còn hỗ trợ các chủ thể cách trang trí gian hàng, lên phương án tối ưu tỉ lệ đánh giá tốt 5 sao cho gian hàng, cài đặt công cụ marketing cho gian hàng, cài đặt quảng cáo cho sản phẩm … tìm kiếm khách hàng mới, thị trường mới thúc đẩy giao dịch hàng hóa. Ngoài ra, Sở còn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn đào tạo nâng cao kỹ năng kinh doanh trực tuyến cho các doanh nghiệp/HTX/hộ sản xuất kinh doanh, các chủ thể OCOP trên địa bàn nhằm giúp cho các cơ sở kinh doanh hiểu, nắm rõ quy định pháp luật về TMĐT gồm: Các hình thức kinh doanh trực tuyến, lợi ích khi tham gia TMĐT, các kỹ năng khai thác và quản trị website bán hàng qua mạng...
Với sự kết nối của Sở Công Thương, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP đã được kết nối vào hệ thống các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trong tỉnh, ngoài tỉnh, đã được đưa vào hệ thống một số siêu thị như GO, Winmart, Winmart+, Lan Chi … Một số sản phẩm: dưa chuột thái lát ngâm giấm của Công ty TNHH Senfood xuất khẩu 1.000 tấn/năm sang thị trường Hàn Quốc; sản phẩm khay tròn mây đan của Công ty TNHH mây tre xuất khẩu Ngọc Động xuất sang thị trường Trung Quốc...
Mặc dù đã đạt những kết quả nhất định, nhưng nhìn chung việc tiêu thụ các sản phẩm OCOP trong tỉnh cũng còn những khó khăn, hạn chế nhất định như sản phẩm chế biến còn ít, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã, doanh nghiệp, chủ cơ sở, kinh doanh còn thấp, thói quen phát triển thụ động, hiểu biết về sản phẩm, năng lực nghiên cứu và phát triển còn yếu dẫn đến năng suất, chất lượng, số lượng sản phẩm chưa cao, sức cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế nên việc triển khai chương trình chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đặc biệt là việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP chưa được như mong muốn trong bối cảnh sức mua trong nước còn yếu sau đại dịch Covid-19.
Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có thêm từ 20 - 25 sản phẩm được đánh giá, phân hạng 3 sao trở lên; có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử…); trong thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục triển khai một số giải pháp nhằm hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP như sau:
Thứ nhất, tiếp tục duy trì và phát triển thêm các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP nhằm nâng cao giá trị sản xuất và tạo thương hiệu cho nông sản, sản phẩm OCOP, thúc đẩy kết nối, tiêu thụ sản phẩm.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác kết nối, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với dịch vụ du lịch, làng nghề, văn hóa bản địa, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong công tác giới thiệu, quảng bá, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá cho sản phẩm OCOP, các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP ở thị trường trong nước và quốc tế.
Thứ tư, phối hợp với lực lượng quản lý thị trường địa phương đẩy mạnh công tác quản lý thị trường và bảo vệ thương hiệu của các sản phẩm OCOP.
Đặc biệt yêu cầu các chủ thể sản phẩm OCOP trong việc chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ đáp ứng yêu cầu của thị trường; tiếp tục tham gia các hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại của nhà nước như hội chợ, hội nghị, tọa đàm do địa phương tổ chức với tư duy hợp tác, trách nhiệm ./.