Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hà Nam đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo theo hướng hiện đại, bền ...

Tin tức sự kiện  
Hà Nam đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo theo hướng hiện đại, bền vững để góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế, vững bước cùng cả nước bước vào “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”

Tỉnh Hà Nam nằm phía Tây-Nam châu thổ sông Hồng, là tỉnh cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội - trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục đặc biệt quan trọng của Việt Nam - kết nối với vùng Nam Đồng bằng sông Hồng.

Với vị trí đầu mối giao thông (từ trung tâm Hà Nội đến trung tâm tỉnh Hà Nam là 50km; nằm trên trục giao thông quan trọng xuyên Bắc-Nam, trên địa bàn tỉnh có quốc lộ 1A và đường sắt Bắc-Nam chạy qua với chiều dài gần 50km và các tuyến đường giao thông quan trọng khác như quốc lộ 21, quốc lộ 21B, quốc lộ 38, đường nối 2 cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và Hà Nội-Ninh Bình; cách Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài 1,5 giờ và cách cảng biển Hải Phòng 2,0 giờ ôtô…) nên Hà Nam có lợi thế trong việc mở rộng hợp tác, giao lưu kinh tế với các địa phương khác trong cả nước, nhất là với thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Thời gian qua, bất ổn chính trị ở một số quốc gia trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế thế giới. Trong nước, nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tuy nhiên khó khăn, thách thức còn rất lớn. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Nam đã nỗ lực, quyết liệt chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH và đạt được kết quả quan trọng: Tốc độ phát triển kinh tế nhanh và liên tục, luôn duy trì tăng trưởng kinh tế 2 con số (bình quân 5 năm gần đây tăng 10,1%) trở thành tỉnh khá trong khu vực nhờ đóng góp lớn từ sản xuất công nghiệp. Riêng năm 2024, tốc độ tăng trưởng đạt 10,93%, đứng thứ 2 khu vực ĐBSH. Thu ngân sách nhà nước đạt gần 17.000 tỷ đồng, tăng 17,54%; thu nhập bình quân đầu người đạt 111 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,65%.

Về công nghiệp: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhiệm kỳ 2020- 2025, tỉnh Hà Nam đã có các giải pháp đột phá về cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển công nghiệp (Đảng bộ tỉnh Hà Nam đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 15/9/2021 về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo và dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030). Trong đó, tập trung vào một số cơ chế chính sách như: Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu, cụm công nghiệp; tập trung giải phóng mặt bằng, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; rà soát, đề xuất điều chỉnh quy hoạch các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn theo hướng khai thác cao nhất lợi thế về hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics.

Kết quả chỉ tiêu ngành công nghiệp tỉnh Hà Nam năm 2024 như sau: Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) ước đạt 248.253,3 tỷ đồng, tăng 17,54% so với năm 2023; Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 9,58 tỷ USD, tăng 27,1% so với năm 2023 và Tổng giá trị nhập khẩu ước đạt 8,15 tỷ USD, tăng 29,8% so với năm 2023.

Về hạ tầng công nghiệp: đến nay trên địa bàn Tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 12 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 3.458,95 ha; có 08/08 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 2.515,06 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 82,14%. Đồng thời, Tỉnh Hà Nam đang tiến hành công tác lập quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 thêm 05 KCN khác (gồm Kim Bảng II, Kim Bảng IV, Châu Giang I, Châu Giang II và Thái Hà III).

Tổng số các dự án đầu tư trong các KCN của tỉnh đến nay là 618 dự án, trong đó có 365 dự án FDI và 253 dự án trong nước; với tổng vốn đầu tư đăng ký là 6.354,32 triệu USD và 51.702,95 tỷ đồng. Đã có 488 dự án đi vào hoạt động, trong đó dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến là 142 dự án, lĩnh vực công nghiệp chế tạo là 125 dự án, công nghiệp hỗ trợ là 265 dự án và công nghiệp khác là 102 dự án.

Đồng thời, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 19 cụm công nghiệp đã được thành lập với tổng diện tích 685,9ha, trong đó có 14 CCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 277,1ha, thu hút được 170 dự án đầu tư.

Đặc biệt, vừa qua Hà Nam cũng đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Khu công nghệ cao Hà Nam với tổng diện tích 663,19ha (Quyết định số 1541/QĐ-TTg ngày 10/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ), đây là Khu công nghệ cao thứ 5 của Việt Nam (Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, Khu công nghệ cao Đà Nẵng và Khu công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai). Thời gian tới, Khu công nghệ cao đi vào hoạt động sẽ góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp của tỉnh phát triển nhanh và mạnh hơn nữa.

Định hướng đến năm 2030 tỉnh Hà Nam sẽ phát triển 16 KCN với tổng diện tích 4.627 ha và 21 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.035,91ha; đến năm 2050 sẽ phát triển thêm 6 KCN mới, nâng tổng số KCN trên địa bàn lên thành 22 KCN với tổng diện tích 6.656 ha theo Quyết định số 1686/QĐ-TTg ngày 26/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Nam.

Với mục tiêu đến năm 2030, Hà Nam phấn đấu đạt mức phát triển khá của Vùng đồng bằng sông Hồng. Xác định công nghiệp là động lực chính cho tăng trưởng, công nghiệp phát triển sẽ là động lực để dẫn dắt các ngành nghề khác như thương mại, dịch vụ, du lịch, đô thị cùng phát triển. Tiếp tục phát huy lợi thế sẵn có về tự nhiên, con người, với ý chí quyết tâm của toàn thể Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh, thời gian tới để đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, tỉnh Hà Nam đặt mục tiêu “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo theo hướng hiện đại, bền vững để góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế, vững bước cùng cả nước bước vào “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".

Phát huy những thành quả đã đạt được, Tỉnh Hà Nam đã đề ra phương hướng và các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển công nghiệp trong giai đoạn đến năm 2030 nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh từ 10%/năm trở lên, giá trị sản xuất công nghiệp tăng từ 14,2%/năm trở lên với một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là: Xây dựng, hoàn thiện và triển khai hiệu quả, đồng bộ các cơ chế, chỉnh sách đặc thù phát triển công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên của địa phương nhằm đảm bảo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp; đồng thời nghiên cứu cơ chế, chính sách thu hút có hiệu quả đầu tư trong nước và trực tiếp từ nước ngoài (FDI) gắn với điều kiện nâng cao giá trị gia tăng tạo ra trong nước có tính liên kết không gian, lãnh thổ.

Hai là: Phát triển công nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo,… Tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.

Ba là: Phát triển công nghệ cao, trọng tâm là hoàn thành và thu hút đầu tư phát triển Khu Công nghệ cao Hà Nam, tập trung vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ điện tử - bán dẫn, tự động hóa, công nghệ sinh học và y dược, công nghệ vật liệu mới. Đẩy nhanh tiến độ các thủ tục, triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu Công nghệ cao Hà Nam có quy mô khoảng 663 ha tại huyện Lý Nhân.

Bốn là: Nâng cao chất lượng hạ tầng, dịch vụ và hiệu quả hoạt động của các khu công nghiệp đang hoạt động (đã lấp đầy trên 95%), đẩy mạnh thu hút đầu tư để lấp đầy 02 khu công nghiệp đã có chủ trương đầu tư (Đồng Văn I mở rộng về phía đông đường cao tốc và Thái Hà giai đoạn II). Xây dựng và thành lập mới 04 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung quy hoạch.

Năm là: Đến năm 2030, ưu tiên thành lập mới, mở rộng phát triển các khu công nghiệp có vị trí địa lý thuận lợi, khả năng thu hút các nhà đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh gồm: Kim Bảng II, Kim Bảng III, Kim Bảng IV, Thanh Bình I, Thanh Bình II, Bình Lục, Thái Hà III... Phát triển các cụm công nghiệp có tính chất đa ngành, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh từng địa phương. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và tăng tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp đã thành lập.

Để phát huy các thành quả đã đạt được và tiếp tục thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp đạt các mục tiêu đã đề ra đến năm 2030, trong những năm tới Hà Nam rất mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ban, ngành ở Trung ương; các tỉnh, thành phố trong khu vực và trên cả nước tăng cường hợp tác, hỗ trợ góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH nói chung và phát triển công nghiệp của tỉnh nói riêng để Hà Nam vững bước cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.​