Skip Ribbon Commands
Skip to main content

DANH SÁCH CÁC KHU, ĐIỂM DU LỊCH TỈNH HÀ NAM

Thông tin tuyên truyền, phổ biến  
DANH SÁCH CÁC KHU, ĐIỂM DU LỊCH TỈNH HÀ NAM
STTTên khu, điểm du lịchĐịa chỉĐặc điểm nổi bậtSố Quyết định công nhận
I.Khu du lịch    
1.Khu du lịch Tam Chúc Thị Trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng

Khu du lịch Tam Chúc đã được đưa vào danh mục 47 địa điểm tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia. Theo quy hoạch, khu du lịch Tam Chúc có diện tích vùng lõi là 4.000 ha. Được đầu tư để trở thành khu du lịch Văn hóa, tâm linh sinh thái, nghỉ dưỡng với các khu chức năng chính: Khu trung tâm đón tiếp, Khu văn hóa tâm linh, Khu bảo tồn tự nhiên, Khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe và du lịch cộng đồng, Khu sân golf, Khu trung tâm dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động du lịch; Hiện nay đến Tam Chúc, khách du lịch sẽ được trải nghiệm ngắm cảnh trong lòng hồ Tam Chúc và chiêm bái các công trình văn hóa Tâm Linh Chùa Tam Chúc (Tam quan Nội – vườn cột kinh, điện Quán Âm, Điện Giáo Chủ, điện Tam Thế, chùa Ngọc, chùa Ba Sao)

Khu du lịch Tam Chúc là điểm đột phá để thúc đẩy du lịch Hà Nam phát triển mạnh trong những năm tiếp theo, đồng thời mở ra hướng liên kết phát triển du lịch với các trung tâm du lịch lớn trong vùng như Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Hải Phòng với các sản phẩm du lịch chính là: Du lịch văn hóa, tâm linh, lễ hội; Du lịch tham quan nghỉ dưỡng sinh thái hồ Tam Chúc; Du lịch cộng đồng gắn với hệ sinh thái nông nghiệp; Du lịch golf và các sản phẩm du lịch bổ trợ như: du lịch ẩm thực, mua sắm; du lịch tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo (MICE); du lịch thể thao.

Được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia: Quần thể danh lam thắng cảnh Tam Chúc tại QĐ số 391/QĐ-BVHTTDL ngày 24/02/2023
II.Điểm du lịch    
1.Đền Trúc - Ngũ Động Sơn thôn Quyển Sơn, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng

Đền Trúc thờ Lý Thường Kiệt - một vị tướng tài ba, trải qua ba triều vua Lý là Thái Tôn, Thánh Tôn, Nhân Tôn lập rất nhiều công lớn. Các nguồn tư liệu địa phương cho biết, khi Lý Thường Kiệt đem quân đi chinh phạt phương Nam vào năm 1069, đoàn thuyền chiến khi theo dòng sông Đáy qua trại Canh Dịch (nay là thôn Quyển Sơn, xã Thi Sơn) thì gặp một trận gió lớn nên phải ép sát vào chân núi để tránh gió. Trận cuồng phong đó đã bẻ gẫy cả cột buồm và cuốn lá cờ đại lên đỉnh núi. Thấy điều lạ, Lý Thường Kiệt cho quân sỹ dừng lại dưới chân núi rồi cùng tướng lĩnh lên bờ sửa soạn lễ tế trời đất cầu mong chiến thắng. Lần ra quân ấy, đại quân Lý Thường Kiệt đã thắng lớn. Trên đường trở về kinh đô, khi qua trại Canh Dịch, ông đã cho dừng quân, hạ trại bên rừng trúc, giết trâu mổ bò làm lễ tạ trời đất và khao thưởng ba quân, mở hội mừng chiến thắng. Lý Thường Kiệt cùng dân làng tham dự cuộc vui với quân sỹ. Trong những ngày này ông cho tuyển chọn những cô gái làng có thanh sắc để múa hát, cũng tại đây ông đã dạy dân làng điệu mua hát Dậm (do có động tác mô phỏng động tác dậm chân chèo thuyền). Thời gian đóng quân tại đây, Lý Thường Kiệt còn cho quân sỹ giúp dân chăm sóc đồng ruộng và dạy dân trồng dâu nuôi tằm, dệt vải. Để tưởng nhớ người có công đối với đất nước và quê hương, nhân dân Quyển Sơn đã lập đền thờ Lý Thường Kiệt ngay tại nơi ông từng mở hội mừng chiến thắng. Đó chính là đền Trúc dưới chân núi Cấm. Ở Hà Nam cũng như ở nhiều nơi khác, tuy có nhiều đền thờ Lý Thường Kiệt, song việc thờ ông ở đền Trúc - Quyển Sơn độc đáo ở chỗ nó gắn bó keo sơn với sự ra đời của múa hát Dậm - một di sản văn hoá phi vật thể đặc sắc riêng có của Hà Nam. Hàng năm, cứ vào dịp đầu xuân, nhân dân địa phương lại tổ chức lễ hội, tổ chức hát Dậm để tưởng nhớ về người anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt và mừng những mùa xuân chiến thắng của đất nước.

Bên cạnh đền Trúc là danh thắng Ngũ Động Sơn gồm năm hang động nối liền nhau thành một dãy động liên hoàn có chiều dài hơn 100m với muôn vàn thạch nhũ và các bức họa kỳ thú, độc đáo trên vách đá được tạo nên bởi tạo hóa được ví như động Phong Nhà – Kẻ Bàng.

Số1710/QĐ-UBND tỉnh Hà Nam  ngày 18/12/2009

 

2.Chùa Bà Đanh - Núi Ngọc thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng

Chùa Bà Đanh có tên chữ là Bảo Sơn Tự nằm bên tả ngạn dòng sông Đáy có lịch sử hàng trăm năm tuổi với kiến trúc độc đáo, tinh tế điển hình của kiến trúc cổ xưa với những chi tiết chạm khắc tinh xảo, được xem là một trong những ngôi cổ tự đẹp và cổ kính bậc nhất Hà Nam, chùa có không gian yên bình, tĩnh lặng 3 mặt giáp sông Đáy, trên có núi Ngọc với nhiều cây cổ thụ quý hiếm. Ngôi chùa gắn liền với câu thành ngữ: “vắng như chùa Bà Đanh" do xưa kia vị trí chùa nằm tách biệt với khu vực người dân sinh sống, bao quanh chùa là vạt rừng rậm rạp, đi lại khó khăn phải di chuyển bằng thuyền qua sông mới vào được chùa nên người hành hương thưa vắng, nhưng chính sự vắng vẻ lại càng tăng thêm vẻ rêu phong, thanh tịnh thâm nghiêm và trầm mặc của ngôi cổ tự Bà Đanh.

Chùa Bà Đanh thờ Pháp Phong, một tín ngưỡng hoàn toàn mang tính bản địa. Chùa Bà Đanh cũng như nhiều chùa khác ở miền Bắc Việt Nam, điện thờ gồm nhiều tượng Phật và Bồ Tát như các chùa thờ Phật theo phái Đại thừa, đồng thời còn có tượng Tam phủ, Tứ phủ của tín ngưỡng dân gian. Nhưng nét đặc sắc và riêng biệt của ngôi chùa chính là bức tượng Bà Chúa Đanh tọa thiền trên một chiếc ngai bằng gỗ quý được thờ ở bên trong hậu cung. Lễ hội chùa Bà Đanh tổ chức vào tháng 2 âm lịch hàng năm

   Số1711/QĐ -UBND tỉnh Hà Nam  ngày 18/12/2009
3.

Đền LảnhGiang

 

thôn Yên Lạc, xã Mộc Nam, thị xã  Duy Tiên

Đền Lảnh ngự trong khuôn viên 3000m2, nơi đây không có núi đồi nhưng bạt ngàn màu xanh của cây trái với rừng nhãn, bến nước, đầm sen hòa quyện, phảng phất hào khí của một vùng địa linh phồn thịnh, êm đềm. Cửa đền nhìn ra hướng đông dòng sông Nhị Hà (sông Hồng), bốn mùa mênh mang sóng nước. Từ ngàn đời nay, sông lặng lẽ chở từng hạt phù sa bồi lên miền quê đất bãi. Giữa sông nổi lên một cồn cát, khiến dòng chảy đột ngột chia thành hai nhánh mà vô tình tạo ra ngã ba sông. Phải chăng cái tên Tam Giang, Lảnh Giang được đặt từ đây.

Ngôi đền linh thiêng có từ lâu đời, theo thần phả, sắc phong và truyền thuyết thì nơi đây thờ Tam vị Thuỷ thần đời Hùng Vương thứ 18 (Hùng Duệ Vương)- tương truyền là con của Bát Hải Long Vương và nàng Quý- đã có công đánh giặc, giữ yên bờ cõi đất nước. Bên cạnh đó, đền còn thờ công chúa Tiên Dung- con gái vua Hùng và Chử Đồng Tử- một trong bốn vị thần bất tử của dân tộc. Câu chuyện tình của hai người là một “thiên tình sử" đẹp, được dân gian phủ lên chất huyền thoại lung linh. Đền Lảnh Giang còn được cả nước biết đến bởi nơi đây là một trong 3 trung tâm thờ Mẫu chính của Hà Nam, nơi gìn giữ, bảo tồn và phát huy Nghi lễ chầu văn - một hình thức biểu đạt văn hóa, tín ngưỡng gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Lễ hội đền Lảnh Giang được tổ chức vào 2 kỳ; tháng 6 (từ ngày 18 đến ngày 25 (âm lịch); Kỳ hội tháng 8 vào ngày 25 (âm lịch).

Để tôn vinh những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của di tích được nhân dân Yên Lạc (xã Mộc Nam) gìn giữ từ bao đời nay, năm 1996, đền Lảnh Giang đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Lễ hội đền Lảnh Giang được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 2459/QĐ-BVHTTDL ngày 20/6/2017.

 

Số991/QĐ-UBND  tỉnh Hà Nam  ngày 30/6/2017

 

4.Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Trần  Thươngthôn Trần Thương, Xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân 

Đền được xây dựng vào thời Hậu Lê, nằm ngay trên nền kho lương của nhà Trần được xây để phục vụ cuộc chiến chống quân Mông-Nguyên lần thứ 2, thờ vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, gia quyến và các bộ tướng của ông. Là một vị anh hùng dân tộc đã hiển thánh, trong tâm thức người dân, ông là Đức Thánh Cha. Trần Hưng Đạo được thờ nhiều nơi ở Hà Nam nhưng Trần Thương là ngôi đền quy mô, bề thế nhất, có thể so sánh vị trí của nó với những nơi thờ tự ông lớn nhất trong cả nước. Dân gian có câu “sinh Kiếp Bạc, thác Trần Thương, quê hương Bảo Lộc" chính là để nói đến địa danh Trần Thương này, bởi cách Trần Thương 3km về phía Đông theo đường chim bay là khu Tam Đường - nơi đặt khu lăng mộ nhà Trần, về phía Nam khoảng 20km là Thiên Trường - quê hương nhà Trần. Đền Trần Thương được xây dựng theo hình chữ Quốc nên trông vuông vắn, trên thế đất thiêng “hình nhân bái tướng".

Tổng thể kiến trúc cảnh quan của ngôi đền gồm nghi môn ngoại, nghi môn nội, 5 tòa, 15 gian chia thành 3 cung Đệ nhất, Đệ nhị, Đệ tam và 2 giải vũ, 5 giếng. Không chỉ có kiến trúc độc đáo, linh thiêng, đền Trần Thương còn giữ lại được nhiều đồ thờ cổ như ngai thờ, khám thờ, sập, nghê, rùa, bát hương. Đặc biệt còn có tượng Hưng Đạo Đại Vương, trong ban thờ hậu cung với vẻ mặt uy nghiêm của một vị “Thánh" nhân, nhưng vẫn nở nụ cười bao dung, đôn hậu. Pho tượng có tỷ lệ cân đối với vẻ mặt uy nghiêm của một đấng thần nhân Đức Thánh Trần - Đức Thành Cha, trầm tư vạch kế sách giữ nước.

Lễ hội đền Trần Thương được tổ chức vào Rằm tháng Giêng và 20 tháng Tám (âm lịch) hàng năm, là một trong ba lễ hội trong vùng lớn nhất của tỉnh Hà Nam. Lễ hội phát lương (vào đêm ngày 14 tháng Giêng âm lịch), thu hút rất đông du khách và nhân dân địa phương đến tham dự và xin túi lương với mong ước một năm mới bình an, hạnh phúc và no ấm.

 Với những giá trị về lịch sử, văn hóa đặc sắc, năm 1989 đền Trần Thương đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia. Ngày 23/12/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Trần Thương, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam là Di tích Quốc gia đặc biệt.

 

Số 992/QĐ-UBND tỉnh Hà Nam ngày 30/6/2017
5. Di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Đọi Sơn thôn Đọi Tam, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên

Chùa Long Đọi Sơn Nguyên tên chữ của chùa là Sùng Thiện Diên Linh Tự, nằm trên đỉnh núi Đọi, Trải qua gần một nghìn năm với bao thăng trầm của lịch sử, ngôi chùa vẫn được biết tới là một danh thắng nổi tiếng, là trung tâm Phật giáo của trấn Sơn Nam xưa. Chùa Đọi Sơn do vua Lý Thánh Tông và Nguyên Phi Ỷ Lan chủ trì xây dựng năm 1054 (Tể tướng Dương Đạo Gia xây dựng, Thiền sư Đàm Cứu Chỉ được mời đến trụ trì). Sau đó, vua Lý Nhân Tông (1066- 1128) tiếp tục xây dựng cùng cây tháp Sùng Thiện Diên Linh.

Trải qua chiều dài lịch sử, ngôi chùa trải qua nhiều lần xây dựng, tu bổ. Những lần tu bổ lớn nhất là vào thế kỷ XVII, quy mô trên 100 gian lớn nhỏ, thiết kế theo kiểu nội công ngoại quốc. Chùa Đọi ở thời Lý là “Đại danh lam kiêm đại hành cung", thời Pháp từng được liệt vào hạng các cổ tích danh thắng để bảo vệ. Năm 1992, chùa Đọi được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Từ đây công tác tu bổ, tôn tạo di tích ngày càng được quan tâm, từng bước khôi phục các hạng mục. Hiện nay, Quần thể di tích Long Đọi Sơn có kiến trúc khang trang, với khuôn viên xây dựng rộng tới 10.000m2 , giữa diện tích rừng rộng khoảng 2ha. Từ dưới chân núi, qua 373 bậc thang bằng đá xẻ, đá phiến mới lên đến chùa. Chùa Long Đọi Sơn, hiện nay còn lưu giữ nhiều di vật quý mang đậm giá trị văn hóa truyền thống như: Bia Sùng Thiện Diên Linh - ấn tích Phật giáo huy hoàng thời Lý đã được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2013, tượng Di Lặc bằng đồng, tượng đầu người mình chim Kinari, nhiều mảng chạm trang trí bằng đất nung, gạch hoa văn thời Lý…6 pho tượng Kim cương (Tượng Kim Cương chùa Đọi là những tác phẩm rất nổi tiếng về nghệ thuật điêu khắc đá.

Với những giá trị văn hóa lịch sử tiêu biểu. Năm 2017, chùa Đọi Sơn là một trong 10 di tích trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.  

 Ngoài chùa Đọi Sơn, dưới chân núi Đọi còn có “Kim Ngân điền" với sự tích vua Lê Hoàn về đây cày ruộng, khuyến nông; khu chùa Hạ và làng nghề làm trống Đọi Tam nổi tiếng, cùng mộ Trạng Sấm- ông tổ làng nghề; đền Thánh - nơi có cửa hang đi xuyên qua núi Đọi đến đền Tỉnh, giếng Bùi (nằm trong hệ thống 9 giếng tượng trưng cho 9 mắt rồng, thể hiện quan niệm về thổ ngơi linh thiêng của người xưa).

Lễ hội chùa Đọi Sơn mở từ ngày 19 đến ngày 21 tháng 3 âm lịch (chính hội vào ngày 21) là một lễ hội lớn thu hút rất đông du khách xa gần đến tham quan và vãn cảnh

Số 2363/QĐ-UBND  tỉnh Hà Nam ngày 22/12/022
6. Đền Lăng thôn Ngũ Cõi, xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm

Theo tư liệu còn lưu tại di tích. Đền Lăng nằm trên khu đất cao, rộng ở phía chân núi Lăng. Thuộc địa bàn thôn Cõi, nay là thôn Ngũ Cõi xã Liêm Cần huyện Thanh Liêm tỉnh Hà Nam.  Xưa thôn còn có  tên là Bảo Thái. Thời Nhà Nguyễn gọi là Ninh Thái. Vì vậy Đền Lăng còn có tên gọi khác là đền Ninh Thái ( Ninh Thái Linh Từ) .

Theo Ngọc phả, truyền thuyết địa phương cùng nội dung khắc trên bài vị thờ tại chính tẩm thì vị vua thứ nhất được thờ ở đây là Đinh Tiên Hoàng, có công dẹp loạn 12 xứ quân thống nhất đất nước lập ra triều đại phong kiến chính thống ở Việt Nam vào thế kỷ thứ X. Đinh Bộ Lĩnh đã cùng Đinh Điền, Đinh Bang về đây lập căn cứ tuyển quân  vừa là nơi huấn luyện binh sĩ, là vị trí tiền đồn cho quân doanh ở Hoa Lư Ninh Bình. Chỗ  vua Đinh đóng quân chính là điểm mà sau này nhân dân lập sinh từ, rồi  đền thờ vua Đinh ở trên đỉnh núi Lăng thiết lập năm 972, là nơi thờ vua Đinh Tiên Hoàng. Giữa thân núi là sinh từ, thời Lê Hoàn làm Thập đạo Tướng quân, vinh quy bái tổ về đây xây dựng năm 971, sau trở thành từ đường nhà Tiền Lê, nhân dân địa phương gọi là đền Trung.Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, đền Thượng, đền Trung  nay chỉ còn dấu tích. Hiện chỉ còn đền Hạ, dưới chân núi Lăng, còn gọi là đền Lăng được công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia vào năm 1999. Đền Lăng, cung trong thờ tứ vị Hoàng đế (đó là: Vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Đại Hành, vua Lê Trung Tôn và vua Lê Ngọa Triều), cung ngoài thờ tam vị Đại vương (đó là: Tướng Nguyễn Minh, Phó thập đạo Tướng quân cùng với Lê Hoàn phò nhà Đinh dẹp loạn 12 sứ quân; bà Nhữ Hoàng đế với sắc phong “Gia tặng quốc sắc thiên tài chung đẳng thần"; thần Thiên Cương đã báo mộng cho ông Nguyễn Minh, ở thôn Vực đi phù nhà Đinh trừ loạn nước cùng Lê Hoàn).

Theo truyền thuyết và ngọc phả thì hàng năm đền Lăng có 4 kỳ lễ chính (người dân còn gọi là ngày Đại Kỳ phúc), gồm mùng 10 tháng Giêng là ngày sinh của Lê Hoàn và ngày sinh của Nguyễn Minh được tổ chức lớn hơn cả.  Các ngày 15/2, 8/3, 15/8 và 21/11 tính theo lịch âm (đây là những ngày liên quan đến ngày sinh, ngày hóa của các vị được tôn thờ trong đền)n dân tôn lập thời hậu Lê, đầu Nguyễn.

Kiến trúc cũng như đồ thờ tự Đền Lăng mang đậm nét dân gian tinh tế, sản phẩm văn hoá thời Hậu Lê rất quý hiếm, cũng là công trình tín ngưỡng mà nhân dân tạo dựng để ghi dấu công ơn hai  vị vua  có công với đất nước.

Ngoài đền Lăng, trên đất Bảo Thái xưa, Liêm Cần nay hiện còn khu mộ cụ Lê Lộc, ông nội vua Lê Hoàn được xây dựng bề thế, uy nghiêm

Số 2363/QĐ-UBND tỉnh Hà Nam  ngày 22/12/2022
7. Chùa Địa Tạng Phi Lai (xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm) thôn Ninh Trung, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm

Chùa Địa Tạng Phi Lai tự còn có tên gọi khác là chùa Đùng. Tên gọi Đùng được lấy từ chính tên của ngôi làng mà chùa được xây. Là ngôi chùa cổ Chùa được hình thành từ khoảng đầu của thế kỉ XI. Nơi đây đã từng là nơi sinh sống của vua Trần Nghệ Tông và là điểm đến cầu tự của vua Tự Đức. Tên gọi của chùa ngày nay là do vua Tự Đức đặt tên, ý nghĩa tên gọi của chùa được đặt theo tên của một vị bồ tát được thờ tại chùa là bồ tát Địa Tạng.

Chùa được xây dựng dưới chân một ngọn núi, ẩn mình trong một khu rừng thông, khuôn viên của chùa được sư trụ trì thiết kế và cho xây dựng rất đặc biệt khác hẳn với nét kiến trúc của các ngôi chùa cổ tại Việt Nam, phần sân dẫn vào chùa đều được trải bằng sỏi màu trắng chứ không lát gạch đỏ giống như những ngôi chùa khác, việc sử dụng những viên sỏi trắng mang ý nghĩa của sự an toàn, hình ảnh cứng rắn của những viên sỏi biểu tượng cho sự bền vững.

Số 2363/QĐ-UBND tỉnh Hà Nam  ngày 22/12/2022
8. Khu di tích lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện động viên cán bộ và nhân dân Hà Nam chống hạn thôn Cao Cát , thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục

Sáng sớm ngày 14/01/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh về dự Hội nghị sơ kết công tác chống hạn của tỉnh Hà Nam. Bác khen ngợi cán bộ, nhân dân Hà Nam trước kia vừa sản xuất vừa chiến đấu anh dũng, mấy năm gần đây có nhiều thành tích chống hạn, tăng gia sản xuất. Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lá cờ "Chống hạn khá nhất" cho huyện Bình Lục và trao 9 huy hiệu chống hạn chống cho các cá nhân của 3 đơn vị là khơi kênh Ben, đắp đập Cát Tường và vét mương Mạc Thượng. Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới thăm công trường đắp đập Cát Tường thuộc xã An Hòa, huyện Bình Lục (nay là nay là thôn Cao Cát, thị trấn Bình Mỹ) đang khởi công làm để lấy nước cứu hàng ngàn mẫu lúa chiêm đang bị khô hạn. Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh về dự Hội nghị chống hạn và thăm đập Cát Tường là nguồn động viên lớn đối với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Nam.

Để ghi nhớ công ơn Người và ghi dấu sự kiện Người về thăm, năm 2011, được sự quan tâm của Trung ương và các cấp, các ngành, Khu di tích lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện động viên cán bộ và nhân dân Hà Nam chống hạn"  đã được khởi công xây dựng tại đúng vị trí Bác Hồ về thăm và động viên nhân dân chống hạn cứu lúa và đến cuối năm 2014 đưa vào hoạt động phục vụ du khách đến thăm quan, dâng hương. . Khu di tích rộng gần 10.000m2, được chia làm hai khu: khu A gồm nhà bia, hồ nước nổi, vườn cây, cây đa và cây cầu đá; khu B là khu đền thờ.

Hiện nay, khu di tích trở thành điểm du lịch và là địa chỉ đỏ cho các hoạt động giáo dục truyền thống, bồi dưỡng lý tưởng cho thế hệ trẻ, hằng năm đón hàng nghìn lượt đoàn viên, thanh thiếu nhi các trường học trong và ngoài tỉnh đến thăm quan, tổ chức Lễ kết nạp đoàn viên, đội viên mới..; Các cơ quan, đoàn thể về tổ chức Lễ Báo công dâng Bác. Năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Bằng công nhận Khu lưu niệm Cát Tường là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Số 2363/QĐ-UBND tỉnh Hà Nam  ngày 22/12/2022
9. Khu Từ đường nhà thơ Nguyễn Khuyến thôn Vị Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục

 Nơi thờ Tam Nguyên Yên Đổ - Nguyễn Khuyến (sinh năm 1835 mất năm 1909) và lưu giữ các kỷ vật quý giá gắn bó mật thiết với cuộc đời nhà thơ gồm, các bức hoành phi, câu đối của các bậc đại sỹ tặng nhà thơ, các bức ảnh về quan trường và các tác phẩm của ông đặc biệt tấm ảnh Nguyễn Khuyến đầu đội khăn lượt mặc áo dài, tay nâng chén hạt mít  lúc sinh thời; cuốn thư của Tiến sỹ Dương Khuê làm năm Tân Mùi (1871) mừng Nguyễn Khuyến đỗ đầu 3 kỳ thi.  

Từ đường nguyên là một phần khu nhà cũ của gia đình, được bố đẻ của Nguyễn Khuyến là Nguyễn Mền Khởi dựng 3 gian nhà trong và 7 gian nhà ngoài để dạy học. Ngôi nhà là nơi ở và sáng tác thơ văn từ lúc ông từ quan về quê cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Trong khoảng 25 năm cuối đời (1884 - 1909), căn nhà này đã chứng kiến và lưu giữ biết bao kỷ niệm về ông. Sau khi ông mất, gia đình, dòng tộc đã giữ lại ngôi nhà này làm từ đường để thờ phụng, lưu giữ những kỷ niệm, tôn vinh, tưởng nhớ tới nhà thơ.

Để tri ân Nhà thơ, năm 2004, Nhà nước đã cho khôi phục ngôi nhà 7 gian xưa kia ở trước từ đường, cải tạo ao thu, tô điểm khuôn viên di tích. Từ đường 3 gian nơi thờ ông làm bằng gỗ lim, nằm tĩnh lặng dưới bóng cây râm mát. Kiến trúc gồm bốn hàng cột, vì kèo kiểu giá chiêng chồng rường. Điêu khắc trên kiến trúc chạm các mô típ, hoa văn hình lá lật cách điệu, chữ triện… với nét chạm tinh tế, mềm mại, mang phong cách thời Nguyễn (thế kỷ XIX).

Cảnh quan nơi đây râm mát, yên bình tĩnh lặng với những “Ngõ trúc quanh co"- nét đặc trưng quen thuộc của làng quê Việt cổ kính

Số 2363/QĐ-UBND tỉnh Hà Nam  ngày 22/12/2022
10. Khu tưởng niệm nhà văn Nam Cao thôn Nhân Hậu, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân)

Nam Cao là một trong những nhà văn Việt Nam tiêu biểu nhất thế kỷ XX. Nhiều truyện ngắn của ông được xem như là khuôn thước cho thể loại này. Đặc biệt một số nhân vật của Nam Cao trở thành những hình tượng điển hình, được sử dụng trong ngôn ngữ hàng ngày.

 Khu tưởng niệm nhà văn - liệt sỹ Nam Cao được nhà nước xây dựng năm 2001 khánh thành năm 2004 trên chính mảnh đất quê hương ông có tổng diện tích 5.460m2 bao gồm lăng mộ, nhà tưởng niệm, vườn cây và hồ nước (mộ phần nhà văn - liệt sỹ Nam Cao được đặt trong Khu tưởng niệm, phía trước mộ đặt cuốn sách đá với 2 trang sách mở ghi lời tuyên ngôn nghệ thuật của nhà văn).

 Khu tưởng niệm là nơi trưng bày lưu giữ các tài liệu, hiện vật, các tác phẩm gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của cố nhà văn, ngoài ra còn trưng bày các hình ảnh thể hiện sự tri ân của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thăm tưởng niệm, ghi sổ cảm tưởng tri ân nhà văn.

Đến đây, du khách sẽ được tham quan ngôi nhà nguyên mẫu nhân vật Bá Kiến (trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao), các di tích gắn liền với tác phẩm, sự nghiệp của nhà văn Nam Cao, cùng thưởng thức những đặc sản quê hương như chuối ngự Đại Hoàng, cá kho Nhân Hậu và tham quan làng nghề dệt truyền thống của “Làng Vũ Đại".

Số 2363/QĐ-UBND tỉnh Hà Nam  ngày 22/12/2022
11. Khu di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia Đình Vĩnh Trụ Số 62 đường trần Nhân Tông, tổ dân phố Nguyễn Khuyến, thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân

Di tích đình làng Vĩnh Trụ phụng thờ hai vị đại thần Đức Đông Bảng Đại vương và Đức Minh Cát Đại Vương. Hai ông có công dạy vua học hành, phò vua giúp nước nên được vua Lý Thần Tông (1128-1132) phong tước Đông Bảng Đại vương và Minh Cát Đại vương và cho xây sinh từ để hai ông sau về nghỉ dưỡng già. 

Đình Vĩnh Trụ bao gồm 5 tòa, làm theo kiểu “nội chữ Tam, ngoại chữ Quốc". Tất cả có 17 gian và hệ thống bình phong, trụ cổng. Đình làm theo phong cách thời Hậu Lê mái cong, trong đình hiện còn lưu giữ được nguyên vẹn tất cả 23 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến ban cho nhị vị đại vương của đình Vĩnh Trụ. Với các giá trị về kiến trúc và lịch sử năm 1993 đình làng Vĩnh Trụ được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Lễ hội Đình được tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng (Tết Nguyên tiêu) nhằm ôn lại truyền thống, công lao của Đức Đông Bảng Đại vương và Đức Minh Cát Đại Vương.

Số 2363/QĐ-UBND tỉnh Hà Nam  ngày 22/12/2022
               

Khu Di tích lịch sử văn hóa Đền thờ các anh hùng liệt sỹ tỉnh Hà Nam và Đền thờ 10 nữ liệt sỹ dân quân phòng không Lam Hạ.

 

Tổ dân phố Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý

Khu Đền thờ được UBND tỉnh Hà Nam xây dựng năm 2019 để tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh bảo vệ Tổ quốc trong hai cuộc kháng chiến, đặc biệt là 10 nữ liệt sỹ dân quân Lam Hạ trong kháng chiến chống Mỹ. Đền thờ nằm trên vùng đất thiêng là trận địa pháo phòng không 37 li nơi 10 nữ dân quân phòng không Lam Hạ chiến đấu và anh dũng hy sinh.

Đây là công trình văn hóa tiêu biểu có ý nghĩa lịch sử, tâm linh sâu sắc và là điểm du lịch tâm linh thu hút du khách thập phương khi đến thăm. Năm 2016 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia. 

Số 2363/QĐ-UBND tỉnh Hà Nam  ngày 22/12/2022​