Công nghiệp nông thôn (CNNT) được hiểu là hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật tại các xã, thị trấn. Sản phẩm CNNT là sản phẩm do các cơ sở CNNT sản xuất, chế biến. Sản phẩm CNNT tiêu biểu là sản phẩm do các cơ sở CNNT sản xuất, có chất lượng, giá trị sử dụng cao; có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường; đáp ứng được một số tiêu chí cơ bản về kinh tế, kỹ thuật, xã hội; về sử dụng nguồn nguyên liệu; giải quyết việc làm cho người lao động và thỏa mãn yêu cầu về bảo vệ môi trường. Từ chủ trương phát huy lợi thế của các địa phương, khu vực và quốc gia về nguyên vật liệu, lao động, kỹ năng, kinh nghiệm kết hợp với tư duy sáng tạo cùng với việc áp dụng công nghệ, thiết bị hiện đại vào sản xuất, các sản phẩm CNNT trên cả nước đã và đang tiếp tục đáp ứng được yêu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước, có khả năng cạnh tranh cao, góp phần đáng kể trong việc xây dựng nên những sản phẩm CNNT mang thương hiệu Việt.
Với mức đóng góp khoảng 9% GDP hàng năm (Nguồn tạp chí kinh tế nông thôn) và thu hút nhiều lực lượng tham gia, các cơ sở CNNT đang ngày càng khẳng định vị trí quan trọng và góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam. Những thành tựu đạt được của cơ sở CNNT trong những năm qua thể hiện ở quy mô sản xuất không ngừng mở rộng, doanh thu, lợi nhuận, nghĩa vụ với Nhà nước tăng lên qua các năm, mức thu nhập của người lao động ngày càng nâng cao, cải thiện đời sống vật chất của người lao động tại địa phương. Tuy nhiên, so với các thành phần kinh tế khác, sự phát triển của các cơ sở CNNT vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn.
Ở Hà Nam, CNNT luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp, các ngành. Sau hơn 20 năm thành lập tỉnh đến nay phát triển CNNT đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế các vùng nông thôn theo hướng công nghiệp hóa; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế và thu hút nguồn lực các thành phần kinh tế ở nông thôn để phát triển đa dạng sản phẩm, hàng hóa; tăng thu ngân sách và phát triển hạ tầng nông thôn; tạo việc làm, nâng cao thu nhập và thu hút lao động nhàn rỗi, lao động ly hương, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn; đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Kết quả là bộ mặt nông thôn được đổi mới và hiệu quả xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng nông thôn được cải thiện rõ rệt.
Các sản phẩm CNNT tỉnh Hà Nam chủ yếu tập trung vào các nhóm ngành nghề: Chế biến, bảo quản nông, lâm, sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; Sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh. Các loại hình doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNNT chủ yếu tồn tại 3 loại hình cơ sở CNNT, bao gồm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Hợp tác xã sản xuất và hộ kinh doanh cá thể.
Bên cạnh những thuận lợi, CNNT ở Hà Nam cũng đang gặp không ít khó khăn như việc phát triển CNNT vẫn mang tính tự phát, phân tán, thiếu tính ổn định. Đóng góp vào ngân sách từ hoạt động CNNT còn hạn chế, thu nhập người lao động còn thấp. Một số sản phẩm làng nghề do sản xuất chủ yếu là thủ công, máy móc thiết bị công nghệ lạc hậu, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn yếu, chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm làng nghề, chưa quan tâm đến kiểu dáng, bao bì đóng gói nên sức cạnh tranh trên thị trường còn thấp, giá thành cao; một số nghề có nguy mất nghề... Chính vì thế, chưa có nhiều sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh cũng như cấp khu vực và cấp quốc gia.
Một số giải pháp phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Hà Nam trong thời gian tới:
Thứ nhất: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản về chính sách hỗ trợ khuyến công, xúc tiến thương mại và tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tới UBND cấp huyện, cấp xã, các hiệp hội, làng nghề, các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh; đa dạng hóa nội dung và hình thức tuyên truyền cho phù hợp với các cơ sở công nghiệp nông thôn. Tập trung tuyên truyền về quyền lợi và trách nhiệm của cơ sở CNNT có sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu, từ đó nâng cao nhận thức, khuyến khích, vận động các cơ sở công nghiệp nông thôn có sản phẩm mới tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp theo quy định.
Thứ hai: Tiếp tục triển khai công tác bình chọn sản phẩm CNNTTB tỉnh Hà Nam đảm bảo đúng đối tượng, hiệu quả nhằm tạo sự lan tỏa mục đích ý nghĩa của công tác tôn vinh bình chọn tới người dân và doanh nghiệp.
Thứ ba: Tăng cường rà soát, triển khai hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại cho các cơ sở công nghiệp nông thôn đảm bảo bảo đúng đối tượng và chế độ ưu tiên đối với cơ sở CNNT, đặc biệt là các cơ sở có sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, cấp khu vực, cấp quốc gia, góp phần thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển.
Thứ tư: Quan tâm sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được UBND tỉnh phân bổ, rà soát các đối tượng đủ điều kiện và ưu tiên đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại các khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ phát triển sản phẩm.
Thứ năm: Chủ động kết nối, giới thiệu các cơ sở CNNT, trong đó chú trọng các cơ sở có sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNTTB với các trường đào tạo nghề (như Trường cao đẳng Công nghiệp Nam định, trường cao đẳng công nghệ kinh tế và chế biến lâm sản,...) để được tham gia các Chương trình đào tạo nâng cao tay nghề, bồi dưỡng kiến thức quản trị … từ các nguồn kinh phí hỗ trợ theo quy định.
Thứ sáu: Luôn đồng hành cùng các cơ sở CNNT trong quá trình hoạt động, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để các cơ sở CNNT có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm; đồng thời, hỗ trợ tạo điều kiện để các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại đạt hiệu quả hơn.
Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đề ra sẽ góp phần đẩy mạnh phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, gắn kết giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, tạo công ăn việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho người lao động nông thôn. Đồng thời góp phần khai thác các tiềm năng lợi thế của các địa phương nhằm phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới.