Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hội nghị làm việc với Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương về chính sách, định hướng phát triển công nghiệp, công nghiệp ...

Tin tức sự kiện  
Hội nghị làm việc với Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương về chính sách, định hướng phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ (CNHT)

Ngày 31/5, Sở Công Thương có buổi làm việc với lãnh đạo Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương về đinh hướng phát triển công nghiệp trên địa bàn Tỉnh Hà Nam do ông Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng  Cục Công nghiệp làm trưởng đoàn.

Tiếp đoàn, về phía Sở Công Thương Hà Nam có ông Hoàng Chi Dũng, Phó giám đốc Sở Công Thương. Tham dự Hội nghị có sự tham dự của các thành viên thuộc Cục Công Nghiệp, Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp (IDC), các thành viên thuộc các phòng ban chuyên môn của Sở Công thương Hà Nam.

Tại Hội nghị, Sở Công thương Hà Nam đã có các báo cáo Tổng quan về tình hình phát triển công nghiệp, CNHT của địa phương, nêu ra các cơ chế, chính sách phát triển cũng như hỗ trợ của địa phương về CNHT. Về phía đại diện của Cục Công nghiệp đánh giá báo cáo của Sở Công Thương, trong đó nổi bật là tốc độ phát triển của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đặc biệt là ngành công nghiệp hỗ trợ, cụ thể như: Toàn tỉnh đã thu hút được 224 dự án (doanh nghiệp) công nghiệp hỗ trợ tại các Khu công nghiệp với sản phẩm chủ yếu là thiết bị điện, điện tử, hệ thống dây dẫn điện trong ô tô, màn hình cảm ứng,... Giá trị SXCN lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ năm 2022 đạt 50.510 tỷ đồng, chiếm 28,69 % tỷ trọng giá trị toàn ngành. Những doanh nghiệp đóng góp quan trọng vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ là: Công ty TNHH Seoul Semiconductor Vina, Công ty TNHH JT Sensor Vina, Công ty TNHH Arai Việt Nam, Công ty TNHH KMW Việt Nam, Công ty TNHH Ace Antenna, Công ty TNHH Anam electronic Việt Nam....Ngoài ra, lãnh đạo Cục Công nghiệp cũng đánh giá cao Sở Công thương trong việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) về CNHT trên địa bàn tỉnh ( gần 170 Doanh nghiệp và gần 300 sản phẩm CNHT được đăng tải), từ đấy có mong muốn tích hợp vào hệ thống cơ sở dữ liệu của Cục Công nghiệp.

Bên cạnh những ưu điểm đã đạt được như tốc độ phát triển ngành công nghiệp, sự thu hút các doanh nghiệp nước ngoài về đầu tư tại tỉnh, thì vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn (chủ yếu doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ về thuế doanh nghiệp, trong khi còn nhiều ưu đãi khác mà doanh nghiệp chưa tiếp cận được), các doanh nghiệp được nhận ưu đãi về sản xuất sản phẩm CNHT chủ yếu là các Doanh nghiệp FDI (12 dự án được Bộ Công Thương xác nhận ưu đãi về sản xuất sản phẩm CNHT đều là Doanh nghiệp FDI), điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước trong việc cạnh tranh và phát triển trong lĩnh vực CNHT. Việc quản lý hệ thống CSDL về CNHT còn nhiều hạn chế trong việc tương tác với Doanh nghiệp (Số lượng DN tương tác, cập nhập tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh còn ít).

Kết thúc hội nghị, Sở Công Thương Hà Nam mong muốn Cục Công nghiệp cần có các cơ chế, chính sách rõ ràng, cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp nội địa), đồng thời, ban hành chính sách, hướng dẫn về tiêu chí, điều kiện để xác định phát triển cụm liên kết ngành. (việc phát triển công nghiệp theo cụm liên kết ngành còn tương đối mới). Hướng dẫn, hỗ trợ Sở Công Thương tỉnh Hà Nam trong việc triển khai các chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ nguồn ngân sách TW trong thời gian tới.​