Trong thời gian gần đây, trên địa bàn Thành phố Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đã xảy ra các vụ hỏa hoạn nghiêm trọng, rất thương tâm, làm thiệt hại nhiều tính mạng, tài sản của người dân. Trong số các nguyên nhân gây cháy nổ, không loại trừ việc sử dụng điện không tuân thủ đúng quy định.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương tại văn bản số 6457/BCT-ATMT ngày 20/9/2023 về việc tăng cường công tác quản lý an toàn sử dụng điện trong sinh hoạt, sản xuất kinh doanh và dịch vụ. Để góp phần làm giảm nguy cơ gây cháy nổ, đảm bảo an toàn trong trong quá trình sử dụng điện, Sở Công Thương trân trọng đề nghị các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp triển khai thực hiện một số nội dung sau:
- Công tác tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.
Sở Thông tin và Truyền thông; UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Công ty Điện lực Hà Nam chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn trên các phương tiện thông tin đại chúng, đài phát thanh các xã, phường, thị trấn về các biện pháp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm hiệu quả, phòng tránh các tai nạn về điện, hỏa hoạn có thể xảy ra do chập cháy từ sự cố về điện, đặc biệt chú trọng đến các khu nhà ở, chung cư cao tầng, khu nhà trọ cho thuê, các hộ sản xuất gia công hàng hóa, hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh, quán Karaoke; trung tâm, cửa hàng thương mại, chợ, siêu thị, … với nội dung cụ thể như sau:
- Kiểm tra hệ thống điện, dây dẫn điện phải đáp ứng được công suất của các thiết bị sử dụng điện, có thiết bị đóng, ngắt, bảo vệ (cầu dao, cầu chì, aptomat...) cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng phòng, khu vực và các thiết bị tiêu thụ điện có công suất lớn (điều hòa, bình nóng lạnh, bếp từ, bếp hồng ngoại, lò nướng, các phòng hát Karaoke, ...), cầu dao, aptomat nên lắp đặt tại vị trí dễ thấy, thuận tiện cho việc ngắt điện.
- Kiểm tra, bảo dưỡng kỹ thuật đối với hệ thống điện, khi phát hiện các điểm mất an toàn, các điểm bất thường như (dây dẫn điện bị lão hóa, đổi màu, bong tróc, đứt gẫy, lớp cách điện bị tổn hại cơ học hoặc bị biến dạng do sự phát nóng trong quá trình dẫn điện; dây dẫn điện có tiết diện nhỏ không phù hợp công suất, dây dẫn sử dụng thời gian dài không còn đảm bảo; các thiết bị đóng cắt, bảo vệ như aptomat, cầu giao, cầu chì… hoạt động kém, không bình thường hoặc không hoạt động, thường xuyên xảy ra phóng điện tại các tiếp điểm; các ổ cắm, mối nối, các điểm tiếp xúc, công tắc điện bị oxy hóa, rỉ sét xảy ra hiện tượng phóng điện, dò điện; hệ thống tiếp địa bị hư hỏng; …) phải kịp thời sửa chữa hoặc thay thế dây dẫn điện, trang thiết bị điện đảm bảo phù hợp, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn về điện, phòng chống cháy nổ.
- Hạn chế việc sử dụng đồng thời các thiết bị điện có công suất cao trong cùng một thời điểm, đặc biệt không cắm đồng thời nhiều thiết bị điện có mức tiêu thụ điện lớn trên cùng một ổ cắm như bàn là, bếp đun nấu sử dụng điện, ấm đun nước, nồi, bếp nướng thực phẩm; hạn chế sử dụng nhiều thiết bị điện trong giờ cao điểm; khi không sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện hoặc trường hợp đang sử dụng mà bị mất điện thì phải ngắt ngay các thiết bị điện.
- Không sử dụng điện quá tải, khi lắp đặt thêm thiết bị tiêu thụ điện cần tính toán, lựa chọn phù hợp, tránh gây tình trạng quá tải (tổng công suất, công suất thiết bị điện phải phù hợp với tiết diện dây dẫn điện, thiết bị đóng cắt bảo vệ). Trường hợp dây dẫn điện có tiết diện không đảm bảo, thời gian sử dụng kéo dài, dây dẫn điện xuống cấp, chắp nối, cách điện không đảm bảo thì phải thực hiện thay thế dây dẫn điện có tiết diện, độ bền cách điện phù hợp với công suất các thiết bị điện sử dụng.
- Bàn là, quạt sưởi, lò sưởi, bếp điện, … phải đặt trên vật liệu không cháy và đảm bảo khoảng cách với các vật liệu dễ cháy đồng thời khi sử dụng phải có người trông coi, giám sát.
- Không để trang thiết bị điện phát nhiệt gần các đồ vật dễ cháy, nổ (sắp xếp vật dụng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy ngăn nắp, gọn gàng, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt như tủ điện, ổ cắm điện… tối thiểu 0,5m).
- Không sạc pin các thiết bị qua đêm mà không trong tầm kiểm soát như các loại xe điện, điện thoại, Ipad, laptop, .... Không nên vừa sạc, vừa sử dụng điện thoại, Ipad, …vv.
- Nên bố trí tách biệt hệ thống điện của khu vực sản xuất, kinh doanh với các khu vực khác của nhà ở, sinh hoạt.
- Kiểm tra và tắt các thiết bị tiêu thụ điện không cần thiết khi không sử dụng trước khi ra khỏi phòng, trước khi đi ngủ hoặc ra khỏi nhà.
- Sử dụng thiết bị điện có hiệu suất năng lượng cao, đáp ứng các quy định về an toàn điện, tiết kiệm điện (được dán nhãn tiết kiệm năng lượng). Lựa chọn thiết bị có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng thuộc hãng sản xuất uy tín, công suất thiết bị phù hợp với nhu cầu sử dụng, số lượng thành viên trong gia đình. Sử dụng điện an toàn, tiết kiệm hiệu quả, tuân thủ hướng dẫn cũng như các cảnh báo của nhà sản xuất trong quá trình sử dụng.
- Nên trang bị ít nhất một bình chữa cháy tại mỗi nhà và vị trí khoảng cách tới thiết bị cứu hoả đảm bảo thuận tiện, dễ nhận biết, dễ sử dụng. Khi xảy ra cháy, thực hiện ngắt nguồn điện sử dụng các phương tiện PCCC có sẵn để dập tắt đám cháy.
Thường xuyên thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn điện đảm bảo phòng tránh sự cố tai nạn về điện, hỏa hoạn do chập điện, phóng điện gây ra. Trong trường hợp chủ hộ sử dụng điện không có khả năng chuyên môn về điện để kiểm tra, xử lý thì có thể liên hệ với đơn vị điện lực tại địa phương để được hỗ trợ, hướng dẫn.
2. Công tác rà soát, kiểm tra xử lý.
2.1. UBND các huyện, thị xã, thành phố:
Chỉ đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng, phòng Kinh tế và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với Điện lực các huyện, thị xã, thành phố tiến hành kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm các quy định về an toàn trong sử dụng điện, đặc biệt chú trọng đến các khu nhà ở, chung cư cao tầng, khu nhà trọ cho thuê, các hộ sản xuất gia công hàng hóa, nhà xưởng, hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh, quán Karaoke; trung tâm, cửa hàng thương mại, chợ, siêu thị nơi thường xuyên tập trung đông người.
2.2 Công ty Điện lực Hà Nam:
- Chỉ đạo Điện lực các huyện, thị xã, thành phố trong quá trình quản lý, vận hành cung cấp điện phải kiểm tra, hướng dẫn đầu tư xây dựng hệ thống điện đảm bảo an toàn trước khi đấu nối, các biện pháp đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng điện trong sinh hoạt, sản xuất và kinh doanh. Phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm các quy định về an toàn trong sử dụng điện, đặc biệt chú trọng đến các khu nhà ở, chung cư cao tầng, khu nhà trọ cho thuê, các hộ sản xuất gia công hàng hóa, hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh, quán Karaoke, trung tâm cửa hàng thương mại, chợ, siêu thị nơi thường xuyên tập trung đông người.
- Phối hợp, hỗ trợ khi khách hàng sử dụng điện (trong trường hợp khách hàng có đề nghị hỗ trợ do không có chuyên môn về điện) trong việc kiểm tra, đánh giá hiện trạng hệ thống điện, xác định và xây dựng các giải pháp khắc phục, xử lý các điểm tiềm ẩn nguy cơ gây chập điện, phóng điện nhằm hạn chế tối đa các tai nạn về điện, hỏa hoạn có thể xảy ra trong quá trình sử dụng điện.
- Chỉ đạo các Kiểm tra viên điện lực tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng điện trên địa bàn thuộc phạm vi cấp điện.
2.3. Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh:
- Chỉ đạo các doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp đẩy mạnh việc thực hiện sử dụng điện an toàn, tiết kiệm hiệu quả, thường xuyên kiểm tra, rà soát hệ thống cung cấp điện nhất là hệ thống dây dẫn điện, các điểm đấu nối, đầu cáp ngầm, thiết bị đóng cắt, hệ thống tiếp địa, tình trạng mang tải của máy biến áp, thiết bị sử dụng điện. Kịp thời xử lý các điểm tồn tại tiềm ẩn nguy cơ gây sự cố về điện; thực hiện duy tu, bảo trì, cải tạo hệ thống cung cấp điện bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định về lưới điện phân phối; Thực hiện kiểm định an toàn kỹ thuật trang thiết bị điện theo quy định tại Thông tư số 33/2015/TT-BCT ngày 27/10/2015 của Bộ Công Thương.
- Chỉ đạo các doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với đơn vị phân phối và bán lẻ điện trong khu công nghiệp trong quá trình quản lý vận hành, định kỳ kiểm tra đánh giá hệ thống điện, xây dựng các biện pháp đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ phù hợp với việc vận hành hệ thống điện và sử dụng điện tại doanh nghiệp.
- Phối hợp với đơn vị phân phối và bán lẻ điện trong Khu công nghiệp tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn điện của các doanh nghiệp.