Skip Ribbon Commands
Skip to main content

60 năm và những chặng đường phát triển ngành Công Thương Hà Nam

Giới thiệu chung Quá trình hình thành và phát triển  
60 năm và những chặng đường phát triển ngành Công Thương Hà Nam
Theo Quyết định số 1418/QĐ-TTg ngày 02 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 14 tháng 05 hàng năm là Ngày truyền thống ngành Công Thương Việt Nam. Đây là dịp để các thế hệ cán bộ, công chức ôn lại truyền thống vẻ vang của Ngành.
Theo Quyết định số 1418/QĐ-TTg ngày 02 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 14 tháng 05 hàng năm là Ngày truyền thống ngành Công Thương Việt Nam. Đây là dịp để các thế hệ cán bộ, công chức ôn lại truyền thống vẻ vang của Ngành. Qua 60 năm xây dựng và phát triển, ngành Công Thương Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng vào thành tựu của cách mạng Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực Công nghiệp – Thương mại- Dịch vụ. Đóng góp vào những thành tựu chung của Ngành Công Thương cả nước, ngành Công Thương Hà Nam cũng có những bước trưởng thành và phát triển không ngừng.
Hà Nam vốn nổi tiếng về sự đa dạng của các loại hình tài nguyên thiên nhiên, với vùng đồi núi phía tây nhiều đá vôi để phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng, vùng đồng bằng sông Hồng và sông Châu đất đai màu mỡ thích hợp cho phát triển nông nghiệp đa dạng và tạo điều kiện cho công nghiệp phát triển cùng với đó là các sản phẩm ngành nghề truyền thống có từ nhiều năm qua như công nghiệp dệt may, hàng thủ công mỹ nghệ, thêu ren, mây giang đan, chế biến thực phẩm,... là sản phẩm của những người dân cần cù, thông minh của một vùng đất giàu truyền thống.
 Qua 60 năm xây dựng và phát triển (14/5/1951 – 14/5/2011), qua nhiều giai đoạn khác nhau với các tên gọi khác nhau nhưng ngành Công Thương Hà Nam luôn gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của đất nước và dân tộc phục vụ đắc lực cho sự nghiệp cách mạng và đời sống Nhân dân. Các thế hệ cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động ngành Công Thương Hà Nam cùng với cả nước đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp: Ngành Công Thương Hà Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng cùng với các ngành khác và các địa phương trong tỉnh xây dựng nền kinh tế tự cấp, tự túc, khôi phục lại các cơ sở sản xuất phục vụ kháng chiến và thực hiện tốt công tác mua bán, trao đổi các hàng hoá thiết yếu và giúp đỡ tư nhân kinh doanh để ổn định vật giá qua đó thúc đẩy sản xuất và đảm bảo cung cấp cho các lực lượng kháng chiến và nhân dân.
Thời kỳ từ năm 1954-1965: Sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, ngành Công Thương cùng với các ngành khác thực hiện nhiệm vụ khôi phục kinh tế sau chiến tranh và cải tạo phát triển kinh tế đẩy mạnh các hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh để khắc phục nạn thiếu lương thực những năm giảm tô, cải cách ruộng đất. Thời gian này phần lớn các máy móc, thiết bị đã lạc hậu do đó công tác nghiên cứu, cải tiến bước đầu đã được quan tâm và phát huy tác dụng tại cơ sở, các cán bộ kỹ thuật trong các xí nghiệp công nghiệp của tỉnh và các thợ lành nghề tiểu thủ công nghiệp đã tự nghiên cứu, thiết kế đưa vào áp dụng trong sản xuất, nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống nhân dân, cùng với đó các cơ sở sản xuất cũ được khôi phục, qua đó thu hút hàng ngàn lao động vào làm việc để cùng với các xí nghiệp công nghiệp phục vụ sản xuất và chiến đấu. Thực hiện chủ trương tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 khoá II đề ra nhiệm vụ “điều chỉnh nền thương nghiệp trước đây phục vụ đế quốc, chiến tranh xâm lược và một số người thành thị, thành thương nghiệp phục vụ dân sinh và sản xuất, khôi phục và phát triển thương nghiệp trên cơ sở tăng cường mậu dịch quốc doanh, làm cho mậu dịch quốc doanh chiếm ưu thế trên thị trường”, do đó thương mại quốc doanh đã tác động mạnh đến sản xuất và đời sống của nhân dân.
Thời kỳ từ năm 1966-1975: Tỉnh Hà Nam sáp nhập với tỉnh Nam Định thành tỉnh Nam Hà. Đây là thời kỳ đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh đánh phá ra miền Bắc bằng không quân và hải quân làm cho công cuộc xây dựng đất nước nói chung và ngành Công thương nói riêng gặp nhiều khó khăn. Trong điều kiện chiến tranh ác liệt hoạt động sản xuất công nghiệp vẫn duy trì và phát triển, nhiều doanh nghiệp có sự phát triển mạnh như: xí nghiệp đường Vĩnh Trụ, giấy vĩnh Trụ, xí nghiệp ép dầu Phủ Lý, xí nghiệp bánh kẹo, nhà máy cơ khí Hà Nam, các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, qua đó thúc đấy sự phát triển của công nghiệp trong tỉnh và tạo ra được nhiều sản phẩm phục vụ cho đời sống nhân dân. Hoạt động thương mại vẫn đảm bảo cung ứng kịp thời vật tư, thiết bị cho sản xuất và chiến đấu, cung cấp lương thực, thực phẩm và hàng hoá thiết yếu cho cán bộ, bộ đội và nhân dân góp phần duy trì sản xuất. Về ngoại thương, đã hình thành các công ty, trạm, cửa hàng làm nhiệm vụ tập trung, thu gom và chế biến hàng xuất khẩu theo đơn đặt hàng và được thực hiện theo Kế hoạch của Bộ và các Tổng công ty xuất nhập khẩu Trung ương. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu trong tỉnh lúc này là hàng nông sản (lạc, đay, đậu, đỗ, thực phẩm rau quả, cây tinh dầu,...) hàng tiểu thủ công nghiệp (mây tre đan, thêu ren, mành trúc,...) hàng hoá của tỉnh thời kỳ này đã đa dạng hơn, nhiều hàng hóa đã có mặt ở nhiều nước trong khối xã hội chủ nghĩa. Việc quy hoạch phân vùng xuất khẩu đã được đề ra và thực hiện tại một số cơ sở. Tuy nhiên, trong thời gian này hoạt động công nghiệp, thương mại đã bộc lộ một số hạn chế, khó khăn: do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ làm cho hoạt động sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, một số xí nghiệp, nhà máy phải di chuyển, sơ tán; do thực hiện cơ chế kế hoạch hóa tập trung nên sản xuất công nghiệp chưa phát triển mạnh, hàng hóa khan hiếm, phương thức kinh doanh có những dấu hiệu lỗi thời do chỉ thực hiện những kế hoạch pháp lệnh không tính đến hiệu quả kinh tế do đó xảy ra tình trạng hàng hóa thừa thiếu giả tạo, quy luật cung cầu không phản ánh đúng thực chất thị trường, mẫu mã hàng hóa ít cải tiến.

 

Thời kỳ từ năm 1976-1985: Ngành Công Thương Hà Nam cũng như Hà Nam Ninh (thời gian này đã sáp nhập tỉnh Nam Hà với Ninh Bình thành tỉnh Hà Nam Ninh) bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn mới là phục vụ cho sự nghiệp khôi phục, xây dựng, phát triển kinh tế và tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội trên quê hương Hà Nam. Hoạt động sản xuất Công nghiệp trong thời gian này có bước phát triển nhanh do trong những năm đầu thực hiện kế hoạch 05 năm có nhiều thuận lợi hơn so với thời kỳ chiến tranh bởi nhiều doanh nghiệp trong ngành khắc phục hậu quả chiến tranh, cải tạo và xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho sản xuất nên nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã tạo ra những sản phẩm mũi nhọn như xe đạp, máy tuốt lúa đạp chân, bơm nước hướng trục, bơm cao cấp cho động cơ diezen, cầu dao điện ba pha, hàng dệt may, chế biến thực phẩm. Lĩnh vực thương mại bước vào một giai đoạn mới, thị trường được mở rộng trong phạm vi cả nước và nhiều nước trên thế giới, hoạt động thương mại trong tỉnh được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú, đáp ứng được nhu cầu cấp bách, ngày càng tăng của sản xuất, xây dựng và đời sống nhân dân trong tỉnh. Hoạt động thương mại cũng phục vụ đắc lực cho các ngành kinh tế khác, nhất là cho nông nghiệp, công nghiệp và giao thông vận tải. Hàng năm cung ứng cho lĩnh vực nông nghiệp trên 10.000 tấn phân đạm Urê, hàng trăm tấn vật liệu và các công cụ cho công nghiệp và xây dựng cùng với những hàng hoá tiêu dùng khác. Các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh được huy động ở mức cao nhất, bao gồm hàng nông sản, hàng công nghiệp dệt may, cơ khí, vật liệu xây dựng, thực phẩm và hàng thủ công mỹ nghệ. Các công ty thương nghiệp và ngoại thương huyện, thị xã, các hợp tác xã mua bán đã vươn tới các địa bàn trong cả nước. Tuy nhiên, trong thời kỳ này một số nhược điểm, hạn chế cũng đã bộc lộ: do duy trì cơ chế kế hoạch hóa tập trung sau chiến tranh quá lâu nên đã không thúc đẩy phát triển sản xuất, quy mô doanh nghiệp ở mức vừa và nhỏ, sản phẩm hàng hóa trên thị trường vốn đơn điệu lại càng trở nên nghèo nàn. Hàng hoá được thực hiện theo cơ chế phân phối cho cán bộ, công nhân viên chức và các tầng lớp nhân dân, thương mại quốc doanh không còn làm chủ được thị trường, có sự chênh lệch lớn giữa giá phân phối của thương nghiệp quốc doanh và giá thị trường tự do.
Thời kỳ từ năm 1986-1996: Thời kỳ này tỉnh Hà Nam Ninh được tách ra thành hai tỉnh Nam Hà và Ninh Bình. Đây là thời kỳ thực hiện công cuộc đổi mới theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, nhằm xoá bỏ cơ chế quản lý kế hoạch hoá tập trung bao cấp, chuyển nền kinh tế sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, thời kỳ này ngành Công Thương Hà Nam gặp nhiều khó khăn do vào cuối những năm 80 và đầu những năm 90 tình hình chính trị thế giới có nhiều biến động, các nước trong khối xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô tan rã làm cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đây là những thị trường chính của các doanh nghiệp trong cả nước và của tỉnh. Nhiều hợp đồng bị huỷ bỏ khiến các doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn. Do thực hiện công cuộc đổi mới nên lĩnh vực công nghiệp tiếp tục phát triển với hàng loạt doanh nghiệp được đầu tư mở rộng sản xuất và đầu tư mới như bia, hàng may mặc, sản xuất bao bì PP, lắp ráp điện tử, lắp ráp xe đạp... và các mặt hàng tiêu dùng khác. Mạng lưới kinh doanh thương mại được mở rộng trên khắp địa bàn tỉnh cả thành thị và nông thôn, phương thức kinh doanh ngày càng đổi mới, phong phú và linh hoạt. Hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do sự biến động về chính trị và kinh tế trên thế giới, thị trường xuất khẩu truyền thống tại các nước xã hội chủ nghĩa và Liên Xô bị mất hoặc đã giảm. Bên cạnh đó, việc khai thác và tìm kiếm thị trường mới còn hạn chế do đó giá trị xuất khẩu hàng hoá trong thời gian này của tỉnh bị ảnh hưởng.

 

Từ năm 1997 đến nay: Sau khi Hà Nam được tái lập lại và đi vào hoạt động. Trải qua những thăng trầm của lịch sử đến nay, công nghiệp Hà Nam đã phát triển khá toàn diện với GTSXCN tăng trưởng cao qua các năm. Hàng năm, có nhiều doanh nghiệp được thành lập mới và đi vào hoạt động. Hiện nay, đã có hơn 2000 doanh nghiệp đang hoạt động. Nhiều doanh nghiệp đã tăng cường đầu tư mở rộng sản xuất và đầu tư theo chiều sâu nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và của doanh nghiệp. Năm 2010, giá trị SXCN đạt 8.125 tỷ đồng, tăng gấp 25,48 lần so với năm 1997 (năm 1997 GTSXCN đạt 318,8 tỷ đồng) và đạt tốc độ tăng trưởng bình quân cả thời kỳ 1997-2010 đạt 29,2%/năm.
Lĩnh vực Thương mại ngày càng có bước phát triển, từ một nền thương nghiệp tập trung bao cấp đến nay đã phát triển được trên 25.000 cơ sở kinh doanh thương mại với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế và thu hút được trên 43.800 lao động vào làm việc. Trong đó, thương mại dân doanh có bước phát triển nhanh, cơ sở vật chất của ngành trong lĩnh vực thương mại những năm qua được đầu tư đổi mới. Bên cạnh các cơ sở kinh doanh theo phương thức truyền thống, bước đầu đã hình thành các cơ sở kinh doanh thương mại với cơ sở vật chất hiện đại, phương thức mua bán văn minh qua đó đưa tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu tiêu dùng xã hội đạt ở mức cao. Năm 2010 tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu tiêu dùng xã hội đạt 7.142,5 tỷ đồng, tăng gấp 7,79 lần (năm 1997 đạt 916 tỷ đồng) và đạt tốc độ tăng trưởng bình quân cả thời kỳ 1997-2010 đạt 19,2%/năm. Hoạt động xuất khẩu của tỉnh những năm qua đã có sự phát triển mạnh về số lượng và giá trị. Năm 2010 giá trị xuất khẩu toàn tỉnh đạt 166,9 triệu USD, tăng gấp 22,6 lần năm 1997 (năm 1997 giá trị xuất khẩu đạt 7,4 triệu USD) và đạt tốc độ tăng trưởng bình quân thời kỳ 1997-2010 là 27,2%/năm. Hoạt động nhập khẩu những thời gian qua đã được đẩy mạnh, năm 1997 nhập khẩu đạt 4,4 triệu USD, đến năm 2010 nhập khẩu đạt 169,4 triệu USD (tăng gấp 38,5 lần năm 1997), bình quân giai đoạn 1997 đến 2010 tốc độ nhập khẩu bình quân hàng năm là 32,4%/năm. Tuy nhiên các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh chưa thật sự phong phú, chưa xây dựng được mặt hàng xuất khẩu chủ lực; hàng hoá nhập khẩu còn ít chủ yếu là thiết bị, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất dệt may và vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp của tỉnh và một số mặt hàng tiêu dùng. Điều đó phản ánh những khó khăn trong đầu tư và trong lĩnh vực tìm kiếm nguồn công nghệ cao để tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường.
Có được kết quả trong 60 năm qua trước hết do nội bộ ngành có sự đoàn kết, nhất trí, nghiêm túc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp của Đảng và Nhà nước, sự cố gắng vượt bậc của nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo và nhân viên toàn ngành. Các tập thể và cá nhân người lao động trong ngành có nghiệp vụ chuyên môn, có ý thức trách nhiệm, có tinh thần hăng say lao động vì sự phát triển của đơn vị, của ngành và đất nước. Đặc biệt sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự chỉ đạo của Bộ Công Thương đã tạo điều kiện cho ngành Công Thương Hà Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 

 
Từ những thành tựu đã đạt được ngành Công Thương Hà Nam đã xác định phương hướng và mục tiêu phấn đấu trong chặng đường tới như sau:
 Đẩy mạnh phát triển công nghiệp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh đến năm 2015 theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp- dịch vụ, phát triển công nghiệp toàn diện với tốc độ cao, bền vững, trọng tâm là công nghiệp trong các khu công nghiệp, phát triển công nghiệp phải đi đôi với bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý, tiết kiệm đất đai, tài nguyên khoáng sản, phát triển công nghiệp phải đảm bảo quốc phòng - an ninh, tăng cường các biện pháp chống gian lận thương mại, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ thị trường. Thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Mục tiêu phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng bình quân đạt 22,1%/năm, năm 2015, Giá trị SXCN đạt 22.000 tỷ đồng (Giá so sánh 1994). Trong đó, nâng giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trong các KCN chiếm trên 70% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh vào năm 2015. Củng cố và phát triển các nghề tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề truyền thống, du nhập nghề mới có giá trị kinh tế cao. Phấn đấu đến năm 2015 có thêm 25 làng nghề được công nhận. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất TTCN-làng nghề bình quân 18,8%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng bình quân 12,2%/năm. Tăng giá trị xuất khẩu trên địa bàn tỉnh bình quân hàng năm đạt trên 12,8%. Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp – Xây dựng chiếm 54,8% trong tổng GDP toàn tỉnh vào năm 2015.
Để thực hiện những chỉ tiêu trên, toàn thể cán bộ, nhân viên trong ngành Công Thương quyết tâm đem sức lực, tài năng cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18 và công cuộc xây dựng, phát triển tỉnh Hà Nam ngày càng giàu đẹp. Nhân dịp này Sở Công Thương Hà Nam xin bày tỏ lòng biết ơn đối với các đồng chí cán bộ, nhân viên đã đóng góp xứng đáng vào kết quả chung cho ngành. Cảm ơn Tỉnh uỷ, HĐND, UBND Tỉnh, Bộ Công Thương... đã hết lòng quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ để ngành Công Thương Hà Nam có được kết quả hôm nay./.
GĐ Sở Lê Văn Quyết